VCCI tổ chức hội thảo nhằm giúp các cơ quan nhà nước lựa chọn ra phương hướng chính sách phù hợp nhất |
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (Dự thảo Nghị định) do Bộ TT&TT đang chủ trì soạn thảo.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, mục tiêu của VCCI khi tổ chức hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận chính sách rộng rãi, công khai để giúp các cơ quan nhà nước lựa chọn ra phương hướng chính sách phù hợp nhất, đạt được lợi ích lớn nhất. VCCI mong muốn góp phần xây dựng một văn bản chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích của quốc gia, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.
Ông Michael DiGregorio, đại diện Amcham Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng các tác động lên sự phát triển kinh tế và chủ trương đổi mới sáng tạo trước khi ban hành các quy định, chính sách mới nói chung và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình nói riêng.
“Chúng tôi mong muốn có một môi trường đầu tư công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”, ông Michael DiGregorio nói.
Một thay đổi cơ bản đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là mở rộng định nghĩa "dịch vụ phát thanh truyền hình" bao gồm cả dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet, bao gồm các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh khác.
Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này theo hình thức thu phí phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và xin giấy phép tại Bộ TT&TT trước khi hoạt động.
Các nội dung số như video, nhạc trực tuyến phải được biên tập, biên dịch theo quy định của Luật Báo chí và nhà cung cấp phải đảm bảo tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30%.
Dự thảo cũng yêu cầu kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài.
Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam và do các cơ quan báo chí được cấp giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo, chịu trách nhiệm về thời lượng, nội dung quảng cáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền (có nghĩa là không vượt quá 5% thời lượng nội dung).
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo mở rộng đến tất cả các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra những câu hỏi về tính khả thi của vấn đề quản lý...
Đại diện CIEM cho biết Thủ tướng đã có yêu cầu nếu thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh đều phải báo cáo Chính phủ, trong trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề chịu điều kiện kinh doanh có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Ông Nguyễn Trinh Thiết, đại diện VNG tỏ ý băn khoăn vì nội dung hình ảnh âm thanh khác, dẫn đến nhiều đối tượng khác bị ảnh hưởng. Ông đặt câu hỏi phạm vi Nghị định có áp dụng đối với các nền tảng trung gian cung cấp nội dung của người dùng đưa lên như mạng xã hội hay không, vì vấn đề này chưa được Dự thảo làm rõ.
Cùng đó, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam nhất trí với ý kiến của CIEM, đồng thời cho rằng nội dung Dự thảo Nghị định mở rộng nhiều, cần xem xét đến khả năng có gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động hay không.
Còn ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA) đề nghị cơ quan quản lý cần khoanh vùng quản lý tập trung vào các dịch vụ có thu phí vì số lượng các nội dung miễn phí trên Internet rất lớn, khó bao quát hết. Đồng thời, ông cũng lưu ý tính khả thi trong một số quy định của Dự thảo như việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nội dung phải nộp hồ sơ xin cấp phép cho Bộ TT&TT bao gồm danh mục nội dung dự kiến và thỏa thuận bản quyền đối với chủ sở hữu bản quyền.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT, danh mục nội dung có thể lên đến hàng nghìn bộ phim, việc cung cấp danh mục và thỏa thuận bản quyền của toàn bộ các nội dung này là khó khả thi.
Cũng như vậy, do số lượng nội dung trong danh mục có thể rất lớn nên việc Dự thảo quy định tỷ lệ nội dung trong nước tối thiểu 30% là rất khó đáp ứng.
Đại diện VCCI cho hay, những ý kiến nói trên sẽ được VCCI tổng hợp và gửi đến các cơ quan hữu quan nhằm góp phần xây dựng một văn bản pháp luật hiệu quả, thúc đẩy phát triển một môi trường pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển bền vững.