Ngày 10/10, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển Bền vững”.
Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn.
Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng đích phát triển bền vững, đại diện UN cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của doanh nghiệp đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại diện DN trình bày các giải pháp phát triển bền vững. |
Tại diễn đàn, đại diện các DN cũng chia sẻ về giải pháp sáng tạo của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần.
Ông Leo Evers, Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam cho biết: Hiện 4/6 nhà máy của Heineken Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm, phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng. Heineken Việt Nam cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong sản xuất và quản lý nước thải.
“Năm 2016, Heineken Việt Nam đã giảm được gần một nửa lượng nước tiêu thụ so với năm 2008. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ và vượt trên các quy định của pháp luật, có thể tái sử dụng để trồng cây và nuôi cá”, ông Leo Evers nói.
Nhận định về tình hình thực hiện các Mục tiêu toàn cầu (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho biết, thế giới đã ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng DN đối với việc triển khai các mục tiêu toàn cầu.
Từ chỗ chỉ 200 DN tham dự Diễn đàn DN về phát triển bền vững do UN tổ chức năm 2015, con số này đã tăng lên 1.500 chỉ sau 2 năm. Cộng đồng DN đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các mục tiêu phát triển bền vững mang lại, cũng như các rủi ro có thể được khắc phục.
Số lượng các DN lập báo cáo bền vững tăng gấp 2 lần trong 5 năm, 90% các DN trong danh sách 500 công ty lớn nhất đã lập báo cáo bền vững. Mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và các quốc gia.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình phát triển bền vững chung vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng những mô hình kinh doanh tiên tiến và đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo những cái lợi trước mắt.
Hà Duy