Ngày 6/6, một gia đình ở Tây Ninh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu sau bữa ăn có nấm xào mướp. Các bệnh nhân nôn ói, đau bụng và nguy kịch vì suy hô hấp hoặc tổn thương gan, rối loạn đông máu. Đến nay, hai vợ chồng đã tử vong. Cô con gái 17 tuổi là người duy nhất sống sót.
Cùng thời điểm, một bé gái 10 tuổi đang được lọc máu thay huyết tương tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM sau khi ăn món nấm được hái trong vườn nhà.
Bé bị nôn ói, đau bụng, rối loạn tri giác và nhập viện trong tình trạng tổn thương gan thận, rối loạn tim mạch và hệ thần kinh. Tất cả thành viên gia đình cùng ăn nấm đều có biểu hiện ngộ độc.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với chùm 3 người cùng gia đình ở Tây Ninh, việc xác định loại nấm và độc tố gây ngộ độc là vô cùng khó khăn.
Thông thường, bác sĩ phải có hình ảnh chính xác hoặc mẫu vật nấm còn lại mà người bệnh đã ăn phải. Một số tình huống có thể xảy ra như bệnh nhân ăn loại nấm này nhưng mang đến loại nấm khác (vì nhầm lẫn), hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin do tình trạng quá nặng.
Trong khi đó, thông tin từ người nhà thường gián tiếp, không đủ chắc chắn để bác sĩ đưa ra nhận định.
Đến thời điểm này, chỉ bé trai 12 tuổi (Đồng Nai) được xác định là ngộ độc gyrommitrin - một loài nấm ký sinh trên xác ve sầu. Em được điều trị 2 ngày ở Đồng Nai và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng nặng. Mẹ của em cũng có biểu hiện ngộ độc tương tự.
Không có thuốc giải đặc hiệu
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, các độc tố của nấm nói chung khi vào trong máu sẽ gắn kết vào các nội tạng, synap thần kinh của tim và hệ thần kinh trung ương. Từ đó, gây rối loạn dẫn truyền hệ thống thần kinh trong tim và não, gây tổn thương gan thận.
Nếu hàm lượng độc tố cao sẽ khiến nạn nhân tử vong rất nhanh nếu không kịp cấp cứu. Với trường hợp ăn ít hoặc nôn ói kịp thời, triệu chứng không quá nặng sẽ được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn hoặc lọc máu thay huyết tương để lấy chất độc.
“Hiện nay, gần như tất cả những độc chất trong nấm không có thuốc kháng độc tố đặc hiệu. Bệnh nhân sau khi được cứu sống ít nhiều sẽ có di chứng do bị hệ thần kinh đã tổn thương và suy đa tạng trước đó. Nếu ngộ độc botulinum còn có huyết thanh đưa người bệnh ra khỏi tình trạng nguy kịch thì độc tố của nấm không có chất đối kháng như vậy”, bác sĩ Phát nói.
Ông dẫn chứng ngay cả khi xác định được độc tố gyrommitrin (trong nấm mọc ra từ xác ve sầu) nhưng do độc tố này chưa có thuốc giải nên bác sĩ sẽ điều trị nâng đỡ, hỗ trợ. Tình huống người bệnh suy hô hấp sẽ được thở máy, nếu suy đa tạng sẽ được lọc máu thay huyết tương. Theo thời gian, độc tố sẽ phân hủy dần.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay, nấm độc có rất nhiều độc tố khác nhau. Mỗi loại độc tố lại tác động lên cơ quan khác nhau, gây ra ảo giác, rối loạn tri giác, suy thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan…
Tình trạng ngộ độc có thể khởi phát ngay hoặc từ 8-12 giờ sau khi ăn phải nấm độc. Đôi khi, người bệnh có triệu chứng nhẹ như đau bụng, nôn ói nên chủ quan, không đến viện và diễn tiến nặng hơn.
Các bác sĩ cảnh báo nấm sinh trưởng rất nhanh vào mùa mưa. Người dân một số nơi có thói quen thu hoạch nấm dại và chế biến thức ăn.
Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng các loại nấm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định và xác nhận của các cơ quan quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn. Người dân hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn trong phân biệt nấm độc và nấm bổ dưỡng dù có kinh nghiệm.
Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng hay chế biến các loại nấm lạ, nấm có màu sắc vì 99% là nấm độc.