Tiêu thụ, vận chuyển hơn 3 tấn thực phẩm
5h sáng, Đội trưởng đội bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) - ông Nguyễn Kim Long - cùng các thành viên trong đội đã có mặt tại chợ để nhận hàng từ thương lái. Rau củ quả, thịt, cá đủ các loại nhập về từ Cần Thơ, Đà Lạt... Đội phân công mỗi người một việc, kiểm hàng, chia hàng theo đơn khách đã đặt và in sẵn hóa đơn tính tiền.
Do chợ truyền thống tại đây chưa được mở nên hoạt động nhập hàng về rồi “đi chợ hộ” được đội bảo vệ thực hiện từ ngày 2/9. Trung bình một ngày, đội bán được khoảng 300 kg lương thực, thực phẩm và giao tận tay người dân trên địa bàn nội quận, miễn phí vận chuyển.
Thành viên đội bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) thành tiểu thương bất đắc dĩ |
Người dân có nhu cầu sẽ đặt hàng qua 3 số điện thoại được ban quản lý chợ cung cấp. Nhân viên trực tổng đài ở nhà sẽ báo số lượng cụ thể về đội bảo vệ, số thực phẩm yêu cầu được chuyển đến trong ngày hôm sau. Trung bình một ngày, đội bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương bán được từ 40-50 đơn hàng, ngày cao điểm tới 80 đơn. Các hộ gia đình đặt nhiều nhất là rau xanh, cải ngọt, thịt gà, cá, trứng và không giới hạn số lượng đặt mỗi đơn.
Do thực phẩm tươi sống chủ yếu tiêu thụ trong ngày, những ngày đầu, đội tiểu thương bất đắc dĩ này chưa thể ước lượng được khối lượng các mặt hàng nhập về. Có hôm hàng về nhiều, không bán hết phải bỏ bớt rau xanh hoặc chia cho các thành viên trong đội sử dụng, ăn dần.
“Anh em chúng tôi không rành công việc này, cũng chẳng phải dân kinh doanh nên lúc đầu còn bỡ ngỡ. Sắp hàng lộn xộn, mất thời gian tìm quanh và chưa biết cách bảo quản nên có người dân phản ánh”, ông Long chia sẻ.
Các mặt hàng rau củ quả trong chợ |
Theo ông Long, với những khách hàng không hài lòng về chất lượng thực phẩm nhận được, đội bảo vệ sau khi xác nhận hóa đơn, sẵn sàng thu hồi sản phẩm, trả lại tiền hoặc giao đổi hàng thay thế tận nơi.
7 thành viên của đội bảo vệ cân hàng, phân loại, chia đơn. 3 tổng đài viên trực điện thoại đặt hàng tại nhà và 2 người phụ trách giao hàng. 12 nhân lực đã giúp tiêu thụ, vận chuyển hơn 3 tấn lương thực thực phẩm cho người dân quận trong 10 ngày qua.
Anh Lâm Dương Khang, tình nguyện viên giao hàng, cho biết, mỗi ngày anh chạy 20-30 đơn hàng, từ 7h30 sáng đến 15h chiều. Vốn là nhân viên kho đang tạm thời nghỉ việc, anh Khang thấy vui vì có thể góp sức phân phối thực phẩm tới người dân. Theo anh, người nhận hàng cũng có người này người kia, có người yêu cầu đồ tươi ngon như lúc chưa giãn cách mà nhiều khi không thể đáp ứng được. Nhưng cũng có người rất mừng khi nhận được hàng và cám ơn mô hình hoạt động tại chợ.
Kiểm lại các đơn hàng trước khi giao |
“Đội bảo vệ chúng tôi làm chỉ mong bớt gánh nặng đi mua hàng cho các khu phố, phường. Mong chợ được sớm hoạt động thì đội sẽ rút lui, để tiểu thương vào bán trở lại cho bà con”, ông Nguyễn Kim Long nói.
Nhu cầu “đi chợ hộ” có xu hướng giảm Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, TP đã đưa vào hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm. Hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, bao gồm: 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa. Đối với hình thức “đi chợ hộ”, tổng nhu cầu đăng ký đang có xu hướng giảm kể từ ngày 6/9 trở lại đây. Cụ thể, trong ngày 11/9 là 62.404 hộ, giảm 7,09% (tương đương giảm 4.760 hộ) so với 10/9. Có 17/22 địa bàn trên toàn TP có nhu cầu “đi chợ hộ” giảm trong ngày. Xu hướng trên phản ánh người dân đã được đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thông qua các hình thức khác nhau. |
Chỉ riêng Bình Dương, mỗi ngày ế đọng 2 triệu quả trứng
Mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200 ngàn quả trứng cút. Trong khi các tỉnh tại khu vực phía Nam cũng ùn ứ, dư thừa hàng chục ngàn tấn nông sản.