Chứng khoán tăng mạnh

Sau gần như cả tháng chịu áp lực giảm mạnh, chứng khoán Mỹ tăng điểm khá ấn tượng trong phiên cuối cùng. Phiên tăng điểm diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng về gói kích thích lại được nhen nhóm và cuộc tranh luận đầu tiên giữa đương kim tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden diễn ra với nhiều đánh giá trái chiều.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 330 điểm (tương đương tăng 1,2% lên 27.782 điểm), trong phiên có lúc chỉ số này tăng hơn 570 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 0,8%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7%.

Theo đánh giá trên CNBC, chứng khoán Mỹ tăng nhờ kỳ vọng về gói kích thích gia tăng. Ngay đầu phiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các nhà lập pháp đang đưa ra dự luật “một thử nghiệm nghiêm túc”.

Tuy nhiên, vào cuối phiên giao dịch, thị trường vẫn giữ được đà tăng khá mạnh cho dù Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin không đạt được thỏa thuận để viện trợ kinh tế mùa dịch Covid-19.

Thông báo cho biết, đại diện Hạ viện (do phía Đảng Dân chủ chiếm đa số) và chính quyền ông Donald Trump sẽ tiếp tục thảo luận về gói kích thích.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ vẫn đang trên vùng đỉnh cao lịch sử.

Tâm điểm của thị trường vẫn là cuộc tranh luận đầu tiên giữa đương kim tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden và những đánh giá, so sánh xem ứng cử viên nào là người chiếm ưu thế trong màn thể hiện đầu tiên nhưng rất quan trọng này.

Trên thực tế, chưa có một đánh giá thuyết phục nào cho thấy ai là người thắng trong cuộc tranh luận lần này. Hầu hết báo chí Mỹ cho rằng, ông Trump là người lấn lướt, khoe mẽ và làm chủ cuộc tranh luận nhưng ông Biden mới là người khôn ngoan, điềm đạm, có cách thuyết phục cử tri ấn tượng.

Chưa có một cuộc khảo sát nào được công bố nhưng nhiều cây bút, nhà phân tích trên các tờ báo lớn của Mỹ cho rằng nhiều khả năng sẽ không có thay đổi gì lớn sau cuộc tranh luận đầu tiên và ông Biden vẫn sẽ dẫn trước ông Trump với một khoảng cách khá xa.

Thực tế số đông cử tri còn im lặng, chưa đưa ra tiếng nói hay bày tỏ ý kiến của mình. Do vậy, cuộc bầu cử tại Mỹ vẫn rất khó lường, có thể giống như những gì đã xảy ra hồi năm 2016 khi bà Hillary Clinton bỏ xa ông Trump trong các cuộc thăm dò nhưng lại thua cuộc.

Thị trường chứng khoán Mỹ dường như đã ổn định trở lại sau một tháng 9 khá khó khăn, suy giảm liên tục. Với những phiên tăng điểm gần đây, chung cuộc chứng khoán Mỹ ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3 nhưng mức độ giảm không nhiều. Hầu hết các chỉ số vẫn ở vùng đỉnh cao lịch sử.

{keywords}
Cuộc tranh luận tiếp theo có thể sẽ có nhiều thay đổi về quy định.

Nỗi lo lớn còn ở phía trước

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên cuối tháng còn nhờ dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo. Theo báo cáo từ ADP, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 749.000 việc làm trong tháng 9, cao hơn mức dự báo tăng 600.000 việc làm trong cuộc thăm dò của Dow Jones.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ, doanh số bán nhà đang chờ xử lý đã vọt 8,8% trong tháng 8, mức tăng cao nhất trong lịch sử.

Dữ liệu tích cực về một phương pháp điều trị Covid-19 tiềm năng từ Regeneron Pharmaceuticals cũng đã giúp thúc đẩy tâm lý trên Phố Wall.

Thông thường thị trường chứng khoán Mỹ có những phản ứng khá mạnh với những tín hiệu đến từ trước trong và sau các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong năm 2016, thị trường đã có biến động mạnh khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nhưng sau đó đã dần ổn định và có cú bứt phá kéo dài vài năm với vài chục lần phá đỉnh cao lịch sử mới.

Với định hướng “Nước Mỹ trên hết” (America First), ông Donald Trump đã tạo ra một thị trường lao động tốt hiếm có, thu nhập người dân gia tăng, dòng vốn từ nước ngoài chạy ngược về Mỹ rất mạnh. Đồng USD mất giá, trong khi vàng tăng mạnh.

Trong vài phiên giao dịch gần đây, những tín hiệu trên thị trường tài chính cho thấy đồng USD đang trở lại với xu hướng giảm điểm dài hạn, vàng quay đầu tăng và chứng khoán Mỹ khởi sắc.

{keywords}
Mỹ và Trung Quốc có thể bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mà buộc các nước phải theo phe.

Đây chỉ là những tín hiệu ban đầu và nó có thể khác so với các năm trước đó. Tuy nhiên, đây cũng là một chỉ báo để đo lường tâm lý của phần đông người dân Mỹ trong một sự so sánh với những đánh giá của các chuyên gia, nhà phân tích trên các tờ báo lớn của Mỹ.

Điều mà nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm có lẽ đơn giản hơn các nhà chính trị. Đó có thể chỉ là ai có khả năng sẽ thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới và các chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại sẽ ra sao trong các năm tới.

Một nỗi lo lớn còn ở phía trước đó là cuộc đối đầu giữa 2 cường quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington sẽ ra sao dưới sự lèo lái của ông Donald Trump hay ông Joe Biden.

Trong phiên giao dịch đêm qua, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hòa nhịp với sự gia tăng chung trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng của chỉ số này thấp hơn khá nhiều so với chỉ số công nghiệp Dow Jones. Giới đầu tư dường như thận trọng hơn đối với các cổ phiếu công nghệ sau khi các gã khổng lồ của Mỹ như Apple, Amazon, Microsoft, Google… đã tăng rất mạnh trong thời gian qua nhưng lại đứng trước những áp lực không nhỏ đến từ các quyết định trừng phạt các ông lớn công nghệ Trung Quốc như ZTE, Huawei hay gần nhất là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC…

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Fox News (Mỹ) vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo của chính quyền ông Donald Trump tuyên bố "mối đe dọa bên ngoài lớn nhất" về trung và dài hạn đối với nước Mỹ đến từ Trung Quốc và đề cập tới một liên minh toàn cầu chống Trung Quốc.

M. Hà