Mỗi khi đến ngày độc lập, chúng ta lại nhớ về Người. Để thực hiện tốt hơn nữa những mong muốn của Người không có cách nào khác là phải hiểu sâu sắc những tư tưởng của Người. "Góc nhìn thẳng" mời nhà sử học Dương Trung Quốc để cùng nhìn nhận thêm về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị và các bạn, mỗi năm đến ngày Độc lập, chúng ta lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt hơn nữa những mong muốn của người, không có cách nào khác là phải hiểu sâu sắc những tư tưởng của Người. Góc nhìn thẳng hôm nay mời nhà sử học Dương Trung Quốc cùng nhìn nhận về vấn đề này. Cảm ơn ông Dương Trung Quốc đã tham gia chương trình.
Thưa ông, nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh, theo ông vấn đề nào là cốt lõi nhất và vẫn nguyên vẹn tính thời sự trong bối cảnh đất nước ta ngày hôm nay?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là một vấn đề rất lớn, nhưng phải làm sao để những điều đó trở thành rất đời thường, rất gần gũi với mọi người, với đời sống xã hội. Cho nên tôi nghĩ có thể tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách bổn phận của mỗi con người đối với cộng đồng, xã hội và rộng hơn nữa là với dân tộc và nhân loại. Ở một góc độ tiếp cận khác, làm sao có thể khiến một con người tưởng như rất bình thường có thể trở thành một vĩ nhân như chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc vận động này tôi nghĩ trước hết là phải làm sao cho con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người thực, chứ nếu chúng ta "thánh hóa" cụ Hồ thì chỉ có kính nhi viễn chi, đứng xa mà bái phục. Tôi nghĩ, cụ Hồ càng thực bao nhiêu, càng vĩ đại bấy nhiêu. Đôi khi trong cách tiếp cận của chúng ta do rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta thần thánh hóa chính là làm cụ Hồ xa với dân hơn, làm cho bài học mơ hồ hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Ngay sau khi giành độc lập, một lĩnh vực mà người quan tâm nhất chính là giáo dục, như người đã nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Quan sát tình hình giáo dục hiện nay, ông đánh giá chúng ta đã thực hiện di huấn của Người như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có thể nói cách đặt vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy Người luôn coi cách mạng không chỉ là vấn đề lý thuyết, những tư tưởng cao xa, mục tiêu xa vời mà là những hành động rất cụ thể của con người. Nói cách khác, cách mạng chính là sự nghiệp của những con người. Con người ở đây là những con người hết sức cụ thể, do vậy nếu mỗi con người trong cộng đồng nếu thấm nhuần tư tưởng đúng thì sẽ có hành động đúng, và điều đó tạo nên, hợp lực lại, tích tụ lại thành những sức mạnh vô địch của cách mạng.
Tôi nghĩ nguyên lý "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" không phải là chuyện cách đây 70 năm nữa, mặc dù đúng cách đây 70 năm chúng ta bước vào cuộc cách mạng ở trong một hoàn cảnh mà rõ ràng vấn đề dân trí, kiến thức và yếu tố tạo nên chúng là giáo dục có vai trò như một sự khởi động để thoát ra khỏi chế độ phong kiến thuộc địa lạc hậu, nạn mù chữ...
Nhưng tôi cho đấy vẫn tiếp tục là vấn đề của ngày hôm nay. Đừng nhìn cách mạng là một thời khắc của lịch sử, cách mạng là một tiến trình của lịch sử. Cuộc cách mạng tháng Tám khởi động cách đây 70 năm vẫn tiếp tục trong ngày nay, trên những nguyên lý về cơ bản vẫn như vậy mặc dù xã hội, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cho nên chúng ta vẫn phải nói rằng "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", chúng ta càng thấm thía điều đó. Nếu nền giáo dục của chúng ta kém cỏi thì đất nước chúng ta ở vị thế yếu trong tiến trình phát triển của riêng mình, đặc biệt là trong quá trình cạnh tranh, đấu tranh, phấn đấu vươn lên trong một cộng đồng và công cuộc hội nhập hiện nay.
Nên nhìn vào những gì đang diễn ra phải thấy nỗ lực rất lớn của nhân dân, kể cả về mặt giáo dục nữa, nhưng cái nỗ lực ấy hình như chưa được đáp ứng đủ vì nó còn đang lúng túng trong rất nhiều yếu tố ràng buộc mà chưa giải phóng được trí tuệ con người, chưa tạo được sự dân chủ trong giáo dục, chính vì thế chúng ta đang đứng trước tình trạng khủng hoảng. Tôi mong rằng đây là sự khủng hoảng trong quá trình phát triển, một cơn sốt vỡ ra, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Và trong quá trình đó chúng ta học được rất nhiều bài học quá khứ.
Nhà báo Phạm Huyền: Thực hành quyền dân chủ trong nhân dân cũng là vấn đề quan trọng trong tư tưởng cùa Người. "Dân chủ là để người dân được mở miệng, tuyệt đối không được áp bức, phê bình". Những năm qua ông thấy chúng ta đã thực hiện điều này ra sao.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Dân chủ là để người dân được mở miệng" có lẽ là cách nói về cách thức tiếp cận thôi. Còn cụ thể hơn, Người đã nói trước hết đừng để dân sợ không dám nói, không dám mở miệng, nhưng cái nguy hiểm hơn là dân chán không thiết mở miệng. Một hành vi dân chủ không chỉ là quyền của người dân, mà nó còn phải phản ánh ở cơ chế của xã hội ấy trong đó có vai trò của Nhà nước.
Cho nên ta thấy ngay từ khi lập nước, ta đã làm được điều như ông cha đã làm được trong quá khứ, giành độc lập dân tộc, nhưng cái có thể gọi là bước phát triển, hay thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 chính là xác lập một nhà nước dân chủ trên nền tảng trước hết là giành độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến và đồng thời xây dựng một nền dân chủ theo những chuẩn mực hay hệ thống giá trị rất hiện đại của đương thời.
Chúng ta không tự tạo cho mình cái gì cá biệt cả, chúng ta có sự lựa chọn một cơ chế hay mô hình thích hợp với hoàn cảnh dân tộc chúng ta, với dân chủ là hạt nhân. Bởi vậy chúng ta thấy hàng loạt vấn đề liên quan đến xây dựng chính quyền, mà đặc biệt là việc Bác phát động phong trào gọi là “Đời sống mới”. Nghe thì rất bình dị, nhưng đời sống mới là gì, là làm sao cho người dân ý thức được mình không còn là một thần dân của chế độ cũ chỉ biết tuân phục mà là một công dân.
Trong phát biểu của mình tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đưa ra một khái niệm mới nghe hơi lạ tai nhưng ngẫm cho kỹ rất đúng là phải giáo dục lại nhân dân. Những người theo chủ nghĩa dân túy lúc nào cũng tôn dân lên hàng đầu, nhưng Bác quan niệm phải giáo dục lại nhân dân, tức là để nhân dân ý thức được quyền cũng là trách nhiệm của mình. Vì thế hồi đó có phong trào “Đời sống mới” được phát động từ rất sớm với tinh thần làm sao cho người dân thực sự trở thành những người có ý thức và có năng lực làm chủ của mình, giáo dục chỉ là một phần.
Và điều chúng ta đang bàn tới về quyền ngôn luận, ngay trong Hiến pháp đầu tiên chúng ta đã thể hiện rất rõ mục tiêu của chúng ta. Chỉ có điều sau này tình hình chiến tranh, những thay đổi trong nhận thức của chúng ta dẫn đến một thời kỳ chúng ta bao cấp cả tư tưởng, tinh thần cho người dân. Nhà nước, cán bộ nói thay hết cho dân, dân chỉ có việc tuân phục, tức là trở lại với tư cách thần dân chứ không phải là công dân.
Công cuộc đổi mới ngày hôm nay chính là tiếp tục con đường Bác Hồ đã mở ra trước kia, làm sao cho người dân thực sự thực hiện quyền công dân của mình. Sự tuân phục là điều cần thiết nhưng phải trên một nền tảng rất minh bạch của luật pháp và những cơ chế bảo đảm thực hiện luật pháp ấy, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở các chương trình Góc nhìn thẳng tiếp theo.
VietNamNet