Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh là 2.037 hộ, chiếm 7,73%, giảm 764 hộ so với đầu năm; số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 2.827 hộ, chiếm 10,73%, giảm 514 hộ so với đầu năm.

Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện.

capturebinh thuan.jpg
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận ngày càng nâng cao.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2023, tổng diện tích cây trồng các loại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh là 49.945 ha, trong đó cây hàng năm 39.020 ha, cây lâu năm 10.925 ha. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và ổn định như: cây cao su, keo lá tràm, điều, tiêu, táo, thanh long… và một số loại cây ăn trái được đồng bào chú trọng mở rộng diện tích.

Đơn cử Phan Hiệp là 1 trong 3 xã nông thôn mới thuần đồng bào dân tộc Chăm sinh sống của huyện Bắc Bình, với hơn 1.000 hộ dân. Từ hiệu quả các chính sách đầu tư của tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể. Đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đường nội đồng đảm bảo lưu thông, sản xuất thuận lợi.

Ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc tập trung đông đồng bào K’ho, Raglay sinh sống. Từ khi tuyến đường ĐT 714 được nâng cấp, mở rộng hai làn xe đã rút ngắn khoảng cách các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ với trung tâm huyện. Theo UBND xã Đông Giang, năm 2023, xã đã giảm 49 hộ nghèo, thực hiện vượt 110% chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo do huyện đề ra.

Bên cạnh đó, một số hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm được triển khai kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương như: Đưa sản phẩm thổ cẩm, gốm của đồng bào Chăm giới thiệu đến các khu du lịch; tổ chức trưng bày, giới thiệu các vật thể văn hóa trong các lễ hội…

Khánh Vy