- Tôi đã nộp đơn cho toà án nơi tôi và chồng tôi đã đăng ký kết hôn và trong đơn ly hôn đã có chữ ký của chồng tôi.
TIN BÀI KHÁC
Tòa án đã nhận đủ toàn bộ giấy tờ hợp lệ và tôi đã tạm ứng án phí là 200.000 VNĐ, thời gian tôi đóng phí đến nay đã được 3 năm nhưng không thấy tòa gọi để xử lý. Tôi cũng đã liên lạc với tòa án vài lần nhưng đều nhận được trả lời từ phía tòa là thời gian này đang bận, để vài hôm nữa.
Chúng tôi đã ly thân đến nay là 7 năm, hiện tại chồng tôi không thường trú ở nhà và cũng không liên lạc được. Chúng tôi không có con chung và cũng không có tài sản tranh chấp gì.
Tôi xin hỏi luật sư trường hợp của tôi sẽ được giải quyết như thế nào?
(ảnh minh họa) |
Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn chuẩn bị xét xử thì:
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Căn cứ vào quy định trên, việc tòa án trì hoãn việc xét xử hơn 3 năm là trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn khiếu nại về việc chậm đưa vụ án ra xét xử.
Về việc chồng chị đi khỏi nơi cư trú và không liên lạc được:
Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Trong trường hợp này, nếu chồng chị đã đi khỏi nơi cư trú và biệt tích từ sáu tháng trở lên thì chị có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án tìm kiếm chồng chị. Sau đó, mặc dù đã áp dụng các biện pháp tìm kiếm nhưng sau hai năm vẫn không có tin tức gì của chồng chị thì chị có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố chồng chị mất tích và đưa vụ án ra xét xử.
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng, TP Hồ Chí Minh
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).