Thừa điện một số thời điểm, tích trữ để dùng dần

Chia sẻ với PV, đại diện chủ đầu tư của nhiều dự án điện mặt trời cho biết: "Các dự án của chúng tôi thường bị cắt giảm công suất 30-40%, cá biệt có thời điểm gần đây bị cắt giảm 50-60% công suất. Điều này gây thiệt hại nặng nề, mỗi ngày chúng tôi lỗ hàng trăm triệu đồng".

Lý do khiến các nhà máy bị cắt giảm công suất một phần là bởi lưới điện ở một số khu vực bị quá tải, không thể tiếp nhận lượng điện phát lên. Ngoài ra, gần đây do nhu cầu sử dụng điện giảm nên tại một số thời điểm trong ngày, hệ thống xảy ra tình trạng thừa điện nên cũng không huy động được hết điện mặt trời, điện gió.

{keywords}
Nhiều nhà đầu tư đối mặt nguy cơ thua lỗ do lao vào điện mặt trời.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn hệ thống đã lên đến khoảng 21.560 MW, trong đó riêng công suất thực phát lên lưới chiếm xấp xỉ 26% công suất phụ tải vào các giờ trưa ngày bình thường và khoảng 61% đối với ngày nghỉ và ngày lễ. Tỷ trọng công suất các nguồn năng lượng tái tạo này có xu hướng tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Do đó, mới đây EVN đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về cơ chế phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam.

Theo EVN, việc triển khai đầu tư các hệ thống tích trữ năng lượng là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với khuyến cáo của các đơn vị Tư vấn quốc tế. Theo đó, Tập đoàn đã phối hợp với đơn vị Tư vấn Quốc tế (GE Energy Consulting) thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam” (do USTDA tài trợ).

Kết quả tính toán của tư vấn cho thấy với mức độ thâm nhập của năng lượng tái tạo chỉ khoảng 15% về mặt công suất, tương đương khoảng 7% về mặt sản lượng, việc đầu tư hệ thống tích trữ trong hệ thống điện chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Tư vấn đánh giá (định tính) việc đầu tư hệ thống tích trữ sẽ chỉ có ý nghĩa khi mức thâm nhập năng lượng tái tạo vào hệ thống điện đạt tối thiểu 15% trở lên về quy mô sản lượng.

Đối với mục đích sử dụng hệ thống tích trữ, để tăng khả năng giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo, kết quả tính toán tối ưu chi phí vận hành hệ thống cho thấy hệ số vận hành tương đương của các hệ thống tích trữ năng lượng sẽ rất thấp, chỉ tương đương 1-2% và do đó sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Kết quả trên là hợp lý do Hệ thống tích trữ phục vụ giải tỏa năng lượng tái tạo sẽ phải nạp vào các thời điểm khi các nguồn năng lượng tái tạo cùng phát công suất cao đồng thời (thường vào các giờ ban ngày, giá biên hệ thống thường cao) và sẽ phát điện lên lưới vào các thời điểm các nguồn năng lượng tái tạo phát thấp (tương ứng giá biên hệ thống sẽ thấp), đi ngược với nguyên lý thu hồi vốn theo chênh lệch giá (mua điện vào thời điểm giá thấp, bán điện vào thời điểm giá cao).

Ngoài ra, Tư vấn cũng đánh giá về mặt kỹ thuật việc đầu tư hệ thống tích trữ để hạn chế quá tải lưới điện gây ra bởi các nguồn năng lượng tái tạo “chỉ là giải pháp tình thế”. Trong khi giải pháp cải tạo/xây dựng lưới điện mới sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất về mặt kinh tế.

{keywords}
Các dự án truyền tải giải tỏa công suất điện tái tạo đang được gấp rút đầu tư. 

Các chủ đầu tư cần tự đầu tư hệ thống tích trữ

Theo đánh giá của EVN, việc đầu tư pin tích trữ năng lượng cho mục đích chống quá tải lưới (giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo) sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế (cho EVN) trên quy mô tổng thể toàn bộ hệ thống điện mà chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cục bộ cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo bị giới hạn công suất phát do quá tải.

Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị EVN/các đơn vị thành viên không đầu tư pin tích trữ năng lượng cho mục đích giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Việc đầu tư pin tích trữ năng lượng nhằm giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (nếu có) sẽ do các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo thực hiện do đây là các đối tượng trực tiếp được hưởng lợi.

“Cần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế cho phép các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư trên”, EVN đề xuất.

Vì thế, Tập đoàn Điện lực đề nghị Bộ Công Thương cho phép các chủ đầu tư thực hiện đầu tư hệ thống tích trữ tại các nhà máy điện gió, mặt trời để nâng cao hiệu quả vận hành, giảm công suất phải cắt giảm. Các nhà máy năng lượng tái tạo nạp điện vào Hệ thống tích trữ trong các thời điểm quá tải/thừa nguồn và phát điện từ Hệ thống tích trữ trong các thời điểm không quá tải.

“Trong cơ chế này, giá bán điện từ Hệ thống tích trữ không vượt quá giá bán điện của nhà máy năng lượng tái tạo”, EVN lưu ý.

Trước mắt, EVN đề xuất cho phép tập đoàn đầu tư thí điểm thệ thống tích trữ năng lượng có công suất trong giải từ 50-100 MW, dung lượng 50-100 MWh. Mục đích là điều chỉnh tần số để xác thực tính năng thiết bị, đánh giá khả năng và tích lũy kinh nghiệm vận hành hệ thống tích trữ trong hệ thống điện, làm cơ sở đề xuất các cơ chế, chính sách và quy định pháp quy có liên quan đến phát triển và vận hành hệ thống tích trữ năng lượng trong hệ thống điện.

“Chi phí đầu tư, vận hành thí điểm hệ thống tích trữ năng lượng được hạch toán vào chi phí sản xuất điện của EVN hoặc theo quy định của cấp có thẩm quyền”, EVN đề xuất.

Lương Bằng

Nguồn điện vô tận trên cánh đồng, ngoài bãi cát... đợt bùng nổ mới

Nguồn điện vô tận trên cánh đồng, ngoài bãi cát... đợt bùng nổ mới

Điện gió, điện mặt trời vẫn chưa hết “nóng”. Ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, hàng chục Giga-oát (GW) điện mặt trời, điện gió vẫn đang nằm chờ để được vào quy hoạch.