Cuộc khủng hoảng Nga - Mỹ trở nên rất nguy hiểm sau khi ông Donald Trump ký lệnh trừng phạt mới chống lại nền kinh tế nước Nga của ông Putin sau 3 năm phương Tây cấm vận Nga vì Ukraine.
Cú trừng phạt hiếm có
Ba năm sau lệnh cấm vận Nga của phương Tây, nước Mỹ vừa luật hóa một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm tới nền kinh tế của đất nước tổng thống Vladimir Putin. Đạo luật này được đánh giá khắc nghiệt hơn các đạo luật trước đó vì tính toàn diện và không thể bãi bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống, mà cần có sự đồng ý của quốc hội Mỹ.
Ngày 2/8, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải ký quyết định thành luật gói trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên. Gói trừng phạt mới mà Mỹ nhắm tới Nga ban đầu được đánh giá là sự khơi mào cho một cuộc chiến thương mại toàn diện, cũng như đặt dấu chấm hết cho hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Mỹ mà ông Trump nhóm lên từ trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống.
Quan hệ Nga Mỹ căng thẳng. |
Cũng giống như các đạo luật trừng phạt khác, đạo luật lần này nhằm vào các ngành công nghiệp khai khoáng, quốc phòng, đường sắt và đóng tàu của Nga.
Một trong những điểm đáng chú ý của đạo luật là: Mỹ sẽ tiếp tục phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án hợp tác giữa Nga và châu Âu, xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao hoạt động tại Nga, nhằm đáp trả lại vụ chính quyền Mỹ phong tỏa các trụ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ cũng như trục xuất 35 nhà ngoại giao với cáo buộc can thiệp vào kỳ bầu cử năm ngoái.
Nga và Iran cũng tuyên bố ký kết một thoả thuận trị giá 2,5 tỷ USD để khởi động dây chuyền sản xuất toa xe lửa nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng. Đây là minh chứng cho thấy mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa 2 nước chịu chế tài của Mỹ.
Trong 3 năm qua, phương Tây bao gồm Mỹ và châu Âu đã liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt Nga vì các hành động ở Ukraine với hàng loạt các cá nhân và các công ty trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng Nga vào danh sách bị đóng băng tài sản và cấm thị thực.
Các biện pháp trừng phạt được đánh giá đã gây thiệt hại lớn nền kinh tế Nga. Đồng rúp đã giảm mạnh. Nền kinh tế Nga khi đó được đánh giá sẽ thiệt hại hàng trăm tỷ USD trong vòng 3-4 năm do sự sụt giảm lòng tin đối với nền kinh tế và chính trị của Nga.
Trump lo ngại, Putin vẫn thảnh thơi
Chỉ 1 ngày sau khi ký dự luật, ông Trump đưa ra tuyên bố: quan hệ Nga - Mỹ "ở mức thấp mọi thời đại" và "cực nguy hiểm", đồng thời cáo buộc quốc hội Mỹ đã khiến quan hệ 2 nước xuống dốc.
Ông Putin thảnh thơi nghỉ ngơi câu cá giữa căng thẳng Mỹ - Nga. |
Trong khi ông Donald Trump thể hiện rõ sự quan ngại thì ông Putin dường như không quá lo lắng về hậu quả của một cuộc khủng hoảng được nhiều đánh giá “đang chạm tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Ở vào thời điểm quan hệ Nga - Mỹ rất căng thẳng và Thủ tướng Medvedev nói về một cuộc chiến thương mại, thì ông Putin đã có kỳ nghỉ thảnh thơi 3 ngày: đi tắm nắng, câu cá và bơi dưới lòng hồ nước lạnh tại khu vực héo lánh Tuva ở phía Nam Siberia.
Trong một bản tin trên Sputnik, nước Nga thậm chí còn cho rằng Nga biết ơn vì 3 năm cấm vận của phương Tây. Ba năm lệnh cấm vận thực phẩm của phương Tây đã mở ra triển vọng cho nước Nga trở lại một cường quốc nông nghiệp. Tình trạng giá thực phẩm tăng vọt hồi đầu cấm vận đã hết. Ngay trong năm nay, Nga sẽ xây dựng hàng loạt nhà kính mùa đông phục vụ phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và thậm chí xuất khẩu...
Tờ Sputnik cũng khẳng định, các biện pháp tăng cường trừng phạt mới không phải là một lời tuyên chiến.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đạo luật trừng phạt ngăn cản các công ty Mỹ đầu tư vào các dự án năng lượng của Nga nhưng đây chỉ là các biện pháp mang tính biểu tượng. Lý do là bởi, đạo luật không yêu cầu chính phủ Nga phải thay đổi những lợi ích trọng yếu như vấn đề Crimea...
Với châu Âu, không giống như 3 năm về trước, nhiều nước phản đối toàn bộ đạo luật mới của Mỹ trừng phạt Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Châu Âu có lẽ không muốn chịu những tác động tiêu cực như thời gian qua.
Hai nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng Nga - Mỹ: ông Trump và Putin trong những ngày gần đây đều phát đi tín hiệu rằng họ muốn hạn chế các thiệt hại.
Cuộc khủng hoảng Nga - Mỹ ban đầu tường chừng rất nguy hiểm nhưng trên thực tế có lẽ không hẳn tiêu cực đến như vậy. Đạo luật mới có lẽ chỉ là cái cách để Mỹ khẳng định quan điểm của nước này trước những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào bầu cử của nước Mỹ. Một cú đánh tưởng chừng như trời giáng không làm ông Putin lo sợ, trong khi đó nó khiến ông Trump vốn đang chịu nhiều áp lực chính trị trong nước cảm thấy lo lắng hơn
V. Hà