Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ bùng nổ với chỉ số công nghệ tiếp tục bứt phá lập đỉnh cao mọi thời đại mới.

Kết thúc phiên giao dịch 3/8 (rạng sáng 4/8 giờ Việt Nam), chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ đã tăng gần 1,5% lên trên 10,9 nghìn điểm. Đây là mức cao kỷ lục mới của chỉ số này. Nasdaq Composite đã tăng tổng cộng hơn 36% trong vòng 1 năm qua.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng gần 240 điểm lên 26.664 điểm, trong khi đó chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 tăng thêm 0,72% và chỉ con cách đỉnh kỷ lục 3%.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh phần lớn các cổ phiếu công nghệ bứt phá đi lên khi mà giới đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp này bất chấp đại dịch Covid-19 và sức mạnh áp đảo so với các đối thủ khác trên thế giới, nhất là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ lên đỉnh cao lịch sử trong đêm qua 3/8 (giờ Việt Nam).

Trong một diễn biến mới, doanh nghiệp sở hữu ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok của Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi chính quyền ông Donald Trump gây áp lực tối đa với các hoạt động của công ty này tại Mỹ.

Ông Donald Trump đã ra tối hậu thư cho TikTok 45 ngày để công ty mẹ Bytedance bán mảng hoạt động tại Mỹ cho Microsoft hoặc một doanh nghiệp Mỹ nếu không muốn bị đóng cửa. Không những thế, trong một tuyên bố mới nhất được Bloomberg trích dẫn, ông Trump cho biết các bên tham gia thương vụ mua bán trên phải trả “một số tiền đáng kể” từ thương vụ này.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ nhận số tiền này bởi cơ quan này đã giúp điều phối cho việc mua lại, vì “chúng tôi làm cho thỏa thuận này có thể xảy ra". Như vậy, tuyên bố của ông Trump trong cuộc họp báo đêm qua cũng đã xác thực thông tin mà Reuters đăng tải hôm 2/8, cho rằng Tổng thống Mỹ đã đồng ý cho công ty ByteDance của Trung Quốc 45 ngày để đàm phán bán ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok tại Mỹ cho Microsoft.

Chính quyền ông Trump lý giải TikTok có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ vì việc thu thập các thông tin liên quan đến dữ liệu cá nhân liên quan tới hàng trăm triệu người dùng Mỹ và khoảng 2 tỷ người trên thế giới đã download ứng dụng TikTok.

Động thái mới của ông Trump báo hiệu một làn sóng doanh nghiệp công nghệ Mỹ thâu tóm mua lại các tài sản internet của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và chưa có tín hiệu suy giảm. Đối tượng bị ảnh hưởng có thể kế đến như ông lớn công nghệ Tencent với ứng dụng WeChat.

{keywords}
Ông Donald Trump gây áp lực lên các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nước Mỹ không còn nhượng bộ

Trong một tuyên bố gần đây trên Bloomberg, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết, Nhà Trắng sẽ thông báo thêm nhiều biện pháp siết chặt quản lý với các công ty phần mềm Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.

Những quyết định của chính quyền ông Trump cũng dễ hiểu trong bối cảnh trong nhiều năm qua hàng loạt thương lớn của Mỹ bị cấm, chặn tại quốc gia đông dân nhất thế giới như: Facebook, Google, Twitter, Instagram, Snapchat, Pinterest, Wikipedia, Dropbox, Reddit...

Đêm qua (giờ Việt Nam), cổ phiếu công nghệ Microsoft đã tăng hơn 5% sau khi xác nhận về việc đàm phán mua lại TikTok ở Mỹ. Cổ phiếu Apple và Netflix tăng lần lượt 2,5% và 2%.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm còn nhờ những tín hiệu tích cực từ hoạt động thử nghiệm vaccine và phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo đó, công ty Eli Lilly tuyên bố bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 của LY-CoV555. Đây là một phương pháp điều trị bằng kháng thể virus SARS-CoV-2, có thể ngăn chặn virus lây lan.

Gần đây, một số công ty Mỹ ghi nhận kết quả tích cực trong việc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19. Nếu thành công, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ hồi phục nhanh trở lại cùng với hàng loạt các chính sách kích thích của chính quyền ông Trump và Fed.

{keywords}
Ông Trump ra tối hậu thư cho TikTok và muốn thu tiền từ giao dịch Microsoft mua lại ứng dụng này.

Giới đầu tư cũng hào hứng với thông tin tích cực về nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ. Số liệu cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng vượt dự báo lên mức 54,2 điểm trong tháng 7.

Trên Bloomberg, số liệu từ FactSet cho thấy, 84% các công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo.

Giới đầu tư kỳ vọng vào hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ còn do sự kỳ vọng vào chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong cuộc họp gần nhất, Fed đã duy trì các chính sách đã áp dụng trong thời kỳ Đại suy thoái, giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục sát 0% và sẽ duy trì các biện pháp kích thích, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng lịch sử cho đến khi họ tin rằng nền kinh tế “vượt qua” cơn khủng hoảng.

Hiện giới đầu tư Mỹ chuyển sự chú ý sang các cuộc thảo luận về gói kích thích mùa dịch Covid-19 tiếp tục. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vẫn đang bế tắc về một số vấn đề trong dự luật cứu trợ mùa dịch Covid-19 tiếp theo.

Mâu thuẫn chính nằm ở chỗ chính quyền ông Trump ủng hộ giảm mức hỗ trợ liên bang xuống còn 200 USD/tuần, trong khi Đảng Dân chủ kêu gọi giữ nó ở mức 600 USD/tuần.

M. Hà