Xã Tân Châu (huyện Di Linh) có trên 67,3% là người đồng bào DTTS. Hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo của Tân Châu đã đổi thay mạnh mẽ, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào DTTS nơi đây.

Để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, chính quyền các cấp xã Tân Châu đã đẩy mạnh các phong trào của các đoàn thể, các hội gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. 

Năm 2014, Tân Châu là xã đầu tiên của huyện Di Linh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và được chọn làm điểm của tỉnh Lâm Đồng.

Từ năm 2019 đến nay đã có 21 con đường giao thông nông thôn được xây dựng theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", trong đó Nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng và ngân sách nhà nước trên 27 tỷ đồng. 

Điều đáng nói là người dân, nhất là người đồng bào DTTS đã hiến trên 5.000m2 đất, hơn 2.000 cây trồng để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư được dọn dẹp và giữ gìn sạch sẽ, tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông được giữ vững; các tệ nạn xã hội được đẩy lùi…. 

Đồng bào DTTS ở Tân Châu đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; nhờ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới nơi đây đã có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần xây dựng vùng nông thôn tươi đẹp, chất lượng sống người dân ngày một nâng cao. Đây là tiền đề để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Công trình xây dựng Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng Ksi xã Đạ Chais.jpg
Các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Không riêng xã Tân Châu, hiện nay, Di Linh là địa phương có số lượng đồng bào DTTS nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng với 28 dân tộc, trong đó, tỷ lệ đồng bào các DTTS chiếm khoảng 42% dân số. Toàn huyện có 85/183 thôn, tổ dân phố thuộc vùng đồng bào DTTS. 

Những năm qua, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống, cũng như diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc. 

Việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm khác được quan tâm triển khai đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp; phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm… được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Đặc biệt là các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Thời gian qua, đồng bào các DTTS cũng tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động. 

Điển hình như phong trào hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà tập trung là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 04 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng huyện Di Linh đạt huyện nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, tiến tới đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025-2030.

Theo đó, đến nay, có 85/85 thôn, tổ dân phố đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa. Đến thời điểm 30/6/2024, 18 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí huyện nông thôn mới cơ bản hoàn thành. 

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 76/78 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà cùng hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ước đạt 44,9 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều vùng DTTS giảm 2,5% so với 2022.

Ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ thì sự đồng thuận của đồng bào DTTS là yếu tố quyết định thành công của chương trình. 

Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bà con không chỉ hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn môi trường sống mà còn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như loại bỏ các hủ tục, bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng.