Là huyện miền núi, có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế lại chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp nên Đồng Hỷ gặp nhiều khó khăn trong chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn được sự quyết tâm của chính quyền huyện cũng như sự nỗ lực của bà con trên địa bàn.
Một trong những giải pháp hữu hiệu được Đồng Hỷ lựa chọn là phát triển sinh kế dựa trên thế mạnh, tiềm năng của địa phương. Là một trong ba vùng chè lớn của tỉnh, Đồng Hỷ đã được lựa chọn để phát triển vùng sản xuất chè tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè an toàn, có giá trị cao tại các xã Văn Hán, Khem Mo, Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu. Đến nay, Đồng Hỷ đã phần nào xây dựng được thương hiệu và quảng bá sản phẩm chè trên thị trường. Với hơn 2.000 ha trồng chè, Đồng Hỷ có 8 mã vùng trồng chè, phát triển được 36 sản phẩm OCOP.
Bên cạnh cây chè, na cũng là một trong những loại cây trồng được Đồng Hỷ lựa chọn để phát triển, tạo việc làm và đem lại thu nhập tốt cho bà con. Tại vùng núi đá vôi xóm Trung Sơn (xã Quang Sơn) - địa bàn sinh sống của hơn 100 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao - ngày nay là hơn 38ha trồng na dai, được phát triển chỉ từ 3ha ban đầu.
Bà con được hỗ trợ tạo điều kiện vay vốn làm ăn, tham gia các lớp học hướng dẫn cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng na cho năng suất và chất lượng quả đảm bảo. Những bước đi mạnh mẽ và vững chắc đang giúp Đồng Hỷ từng bước thoát nghèo bền vững.