Theo số liệu báo cáo từ UBND huyện Quản Bạ, Hà Giang, địa phương có 9/13 đơn vị cấp xã thuộc xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện là 71,01%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 60,94%.

Huyện Quản Bạ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,9%/năm trở lên; năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 44,4%, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024 UBND huyện triển khai thực hiện nhiều biện pháp, lồng ghép kế hoạch thực hiện với các chương trình khác nhằm huy động và sử dụng hiệu quả, tối đa mọi nguồn lực.

Ngay từ những tháng đầu năm 2024, UBND huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững; tiếp tục lồng ghép các chính sách, dự án để đạt được mục tiêu cải thiện đời sống cho người dân.  

Quản Bạ được xem là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực chăn nuôi. Vì thế, huyện đã tích cực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại phù hợp với thực tế từng địa phương. Phương châm được đặt ra là lựa chọn những mô hình đem lại hiệu quả cao, ổn định kinh tế cho người dân, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Huyện chỉ đạo ngành chuyên môn và 13 xã, thị trấn chủ động trong công tác định hướng cho người dân phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thi đua sản xuất.

Các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, nhằm cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế đến các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn dưới sự ủy thác của ngân hàng chính sách để phát triển các mô hình, đem lại hiệu quả cao.

Tính đến nay, toàn huyện Quản Bạ đã có hơn 300 mô hình phát triển kinh tế tập trung vào chăn nuôi như bồ câu, bò, ong, thỏ tại các xã như: Cán Tỷ, Lùng Tám, Thanh Vân, Nghĩa Thuận... Những mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập cho người chăn nuôi từ 50 - 250 triệu đồng/năm/mô hình. Các sinh kế này cũng góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, góp phần giảm nghèo đa chiều, bền vững.

W-giam ngheo mien nui.jpg
Huyện Quản Bạ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,9%/năm trở lên.

Ngoài việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, Quản Bạ còn nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau, màu có giá trị kinh tế cao hơn gắn với chuỗi liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Đây là hướng đi cụ thể trên hành trình giảm nghèo của huyện Quản Bạ.

Quản Bạ xác định để thay đổi tư duy "một năm 2 vụ ngô và 1 vụ lúa" của người dân nghèo cần có bước đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ. Tại thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ, ông Sân Đức Dùng, Bí thư Chi bộ thôn, là người tiên phong chuyển đổi 1.000m2 đất trồng ngô kém hiệu quả để trồng 1.000 cây ớt cao sản. Sau 3 tháng trồng, chăm sóc, diện tích ớt của gia đình ông Dùng đã cho thu hoạch liền từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7.

Từ năm 2024, diện mạo xã Quản Bạ đã ghi nhận sự đổi thay khi xã bắt đầu triển khai diện tích trồng cây ớt gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm với công ty trên địa bàn. Đến nay, toàn xã có 36 hộ tham gia nhóm liên kết, chuyển đổi trên 3ha hoàn toàn diện tích trồng cây ngô sang trồng cây ớt, dưa chuột, cà chua. Sự chuyển mình mạnh mẽ này đem lại hiệu quả cao rõ rệt, không chỉ năng suất cây trồng được cải thiện mà giá trị thu nhập của người dân cũng được tăng lên. 

Với bệ đỡ là sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng định hướng đồng hành của chính quyền và sự cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình trong thời gian qua đã tạo hướng sinh kế bền vững, ổn định cho người dân Quản Bạ, đặc biệt là các hộ nghèo. Tới đây, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình, trong đó tiếp tục đưa những cơ chế, chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người dân, nhằm thúc đẩy, nhân rộng các mô hình kinh tế chăn nuôi bền vững trên địa bàn huyện.