Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên tất cả các lĩnh vực pháp luật; hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng. Đặc biệt, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều mô hình hiệu quả. 

Trong đó, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật được tổ chức hằng năm đã tạo sức lan tỏa rộng lớn và trở thành hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

anh chup man hinh 2024 01 26 luc 145939.png
Đồng Nai đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân.

Trong năm 2023, hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tổ chức nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật tập trung hướng về cơ sở, phục vụ nhân dân với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng và địa bàn.

Cụ thể, tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2023 thu hút hơn 555 ngàn lượt thi, Cuộc thi tìm hiểu Luật Sở hữu trí tuệ thu hút hơn 7,4 ngàn lượt thi, Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử thu hút 92 ngàn lượt thi... 

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng. 

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thời gian qua, các thành viên của Hội đồng cấp huyện đã thực hiện hơn 1.400 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với trên 410.500 lượt người tham dự; tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 5 ngàn người tham gia; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hơn 2.790 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với thu hút trên 190.600 lượt người tham dự; phát hành trên 1,7 triệu tài liệu tuyên truyền

Về công tác hòa giải, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 936 tổ hòa giải, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.786 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 1.418 vụ (đạt tỷ lệ 80,5%).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc huy động nguồn lực để thực hiện xã hội hóa cho công tác này còn khiêm tốn. Công tác nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật ở một số đơn vị, địa phương vẫn còn mang tính chất một chiều từ cơ quan quản lý nhà nước, chưa theo nhu cầu của người dân, chưa đánh giá được hiệu quả. Số lượng báo cáo viên trực tiếp tham gia công tác này chưa cao. Một số báo cáo viên pháp luật hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không có bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách được giao cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác phổ biến giáo dục pháp luật với khối lượng công việc nhiều, trong khi biên chế ngày càng giảm khiến phần nào ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện truyền thông các dự thảo chính sách...

Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tư pháp cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cho các địa phương bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp để triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Trong đó, chọn nội dung, hình thức có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở và lấy người dân làm trung tâm trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Tôn vinh người tốt việc tốt trong tổ chức thi hành pháp luật để nâng cái tốt và dẹp cái xấu trong xã hội. Cần tập trung công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng đặc thù yếu thế trong xã hội…

Thanh Hạ