Thách thức lớn về môi trường
Đồng Nai không chỉ là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng các khu công nghiệp, mà còn được ví là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Sự phát triển của ngành công nghiệp và chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy kinh tế của Đồng Nai phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, Đồng Nai cũng đứng trước nguy cơ, thách thưc lớn về công tác môi trường.
Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp với hơn 1,7 nghìn dự án đang hoạt động. Các khu công nghiệp tại Đồng Nai có lượng chất thải phát sinh hàng ngày là 145 ngàn m3 nước thải, gần 500 tấn chất thải nguy hại, hơn 1,8 ngàn tấn chất thải công nghiệp thông thường.
Đối với ngành chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có hơn 1.400 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22,3 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ có 257 cơ sở chăn nuôi lớn được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Lĩnh vực này cũng tồn tại nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi tự phát, không giấy phép, không đáp ứng tiêu chí môi trường đã gây ô nhiễm nguồn nước nhiều sông, suối.
Với chủ trương nhất quán, “không phải phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường”, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều biện pháp giải quyết vấn đề chất thải để bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Đồng Nai cũng rất quan tâm và có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp.
Hiện, tỉnh đã đầu tư cho 25 khu công nghiệp hệ thống quan trắc tự động nước thải, kiên quyết chấm dứt hoạt động của khu công nghiệp Biên Hòa 1... Đối với ngành chăn nuôi, tháng 4/2023, UBND Đồng Nai đã ban hành kế hoạch để kiểm tra các cơ sở chăn nuôi nhằm đảm bảo môi trường. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả kiểm tra hơn 9.000 trang trại chăn nuôi trên toàn tỉnh, các cơ quan thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt 164 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 6,1 tỷ đồng, kèm theo đình chỉ 14 cơ sở có thời hạn.
Xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại
Cuối tháng 7/2023, UBND tỉnh đã ban hành chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh xác định, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi môi trường; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Một trong những biện pháp mạnh được triển khai trong thời gian qua đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tái chế chất thải, các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, gia cầm….
Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, để triển khai kế hoạch này, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai yêu cầu, các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp quán triệt các bộ phận, phòng, ban và người lao động, gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.
Theo đó, phấn đấu 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường; 100% doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; tỷ lệ giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu so với năm 2020 của các doanh nghiệp khu công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát và giấy đến năm 2025 là từ 5-8%, đến năm 2030 từ 7-10%.
Mới đây nhất, ngày 13/12/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế rác, hạn chế chôn lấp để giảm thiểu ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.
Kèm theo đó là yêu cầu xây dựng tầm nhìn dài hạn cho công tác quản lý nhà nước về môi trường. Cụ thể, Đề án đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 triển khai phân loại rác đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển phải đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác; 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, đưa dự án Đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) vào vận hành; tất cả các khu xử lý chất thải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp quy định. Chấm dứt hoàn toàn chôn lấp trực tiếp rác sinh hoạt.