Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số sự cố tràn dầu làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và môi trường.

 Đầu năm 2023, nhận được thông tin về sự cố tràn dầu FO chưa xác định được nguồn phát sinh tại khu vực ven bờ từ bến phà Gót đến Bến cảng số 3, Cảng quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, thị trấn Cát Hải, ngay lập tức, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị liên qua khẩn trương thực hiện công tác ứng phó. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, lượng dầu trôi dạt tại khu vực bến phà Gót cơ bản được thu gom, với tổng lượng chất thải thu được là 13.530kg và đã bàn giao cho một công ty xử lý theo quy định.

anh bai 5.jpg
Lực lượng Cảnh sát biển tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. 

Trước đó, trên địa bàn thành phố ghi nhận những sự cố tràn dầu với quy mô lớn, phát sinh quá trình vận hành của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Như tháng 11/2019 đã xảy ra sự cố bục vỡ ống dẫn dầu thuộc Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng; tháng 3/2018, tại cảng K99, luồng sông Cấm ở phường Đông Hải 2 (quận Hải An), tàu Hải Hà 18 thuộc Công ty TNHH vận tải thuỷ bộ Hải Hà xảy ra sự cố cháy nổ khi đang xuất hàng; tháng 11/2014, đường ống dẫn hoá chất của Công ty hoá chất Soft-SCC bị bục khiến khoảng 300 tấn hoá chất chảy ra ở khu vực cảng Cửa Cấm, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền…

Sự cố tràn dầu gây tổn thất lâu dài cho môi trường, ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nhất là rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô… hậu quả là đã có nhiều trường hợp các loài sinh vật chết hàng loạt do tác động của sự cố tràn dầu.

Là thành phố ven biển trực thuộc trung ương, nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có 6 quận/huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo. Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000 km2 với gần 300 đảo, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố. Bên cạnh ưu thế vượt trội về tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển, Hải Phòng luôn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội và môi trường biển.

Trước nguy cơ này, thời gian qua, thành phố đã xây dựng kế hoạch và có những giải pháp tích cực để phòng ngừa, xử lý nhanh chóng sự cố tràn dầu.

Theo đó, từ năm 2014, UBND TP đã phê duyệt Đề cương hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố. Tiếp đó, tháng 4/2017, Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm thành phố Hải Phòng, trình Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.

Đến nay, UBND thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của trên 86 cảng, cơ sở trên địa bàn thành phố. Đồng thời, UBND các quận, huyện cũng phê duyệt hàng trăm Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cây xăng trên địa bàn theo thẩm quyền.

Theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, 100% các bến cảng, khu chuyển tải xăng, dầu phải lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, các cơ sở kinh doanh xăng, dầu, cảng biển trên địa bàn thành phố đều đã lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. 

Để triển khai hiệu quả các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hiểm họa của sự cố tràn dầu, cũng như công tác phòng ngừa, ứng phó trước sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất nếu sự cố xảy ra tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ xảy ra tràn dầu bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu của thành phố đã đạt kết quả tích cực. Theo đó, từ sau sự cố tràn dầu vào cuối tháng 2/2023 tại bến phà Gót, đến nay trên địa bàn thành phố chưa xảy ra sự cố tràn dầu nào nữa.

Văn Thường và nhóm PV, BTV