Đồng Tháp có đường biên giới giáp với tỉnh Prâyveng (Vương quốc Camphuchia) dài hơn 50km. Trước đây, nhiều người qua lại biên giới làm ăn, buôn bán. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hai tỉnh Đồng Tháp và Prâyveng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nên làm giảm khả năng hoạt động của tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép. Tuy nhiên, tội phạm này có những phương thức, thủ đoạn mới để thích nghi với điều kiện hiện tại.

Trước tình hình trên, Sở LĐTB&XH phối hợp cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông, phổ biến pháp luật liên quan đến việc mua bán người.

Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Zalo, Facebook), sinh hoạt chi, tổ hội..., nhiều đoàn viên, hội viên và người dân được phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Hôn nhân và gia đình. Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; tình hình phụ nữ bị dụ dỗ, lừa gạt để bán ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân. Thông tin, cảnh báo cho phụ nữ về rủi ro có thể gặp phải khi kết hôn với người nước ngoài... Đồng thời lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép, mua bán người. Qua đó góp phần kéo giảm nạn mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em.

{keywords}
Những nạn nhân bị mua bán trở về được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn làm kinh tế.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Phòng LĐTB&XH huyện, thành phố tổ chức những hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật mới về công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời phối hợp trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19, nhất là tránh tập trung đông người, ngành LĐTB&XH phối hợp tuyên truyền nhiều tin, bài trên đài truyền thanh cấp huyện và xã; treo 48 pano, áp phích, băng rôn liên quan đến phòng, chống mua bán người...

Cùng với ngành LĐTB&XH, công an, biên phòng, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện nhiều mô hình như: Tổ Phụ nữ pháp luật, Tổ Phụ nữ nhịp sống mới, Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình... Duy trì số điện thoại đường dây nóng (02773.875111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, ngành LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tiếp tục duy trì hoạt động 3 cơ sở tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo điều kiện cho công tác tiếp nhận ban đầu.

Anh Dũng