Hàng chục tỷ đồng tiền thanh toán sai trong các dự án BOT đường bộ đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Cùng với những “lùm xùm” khác quanh các dự án BOT đường bộ gây bức xúc trong dư luận, Quốc hội cũng đã có kế hoạch đưa BOT vào chương trình giám sát để chấn chỉnh hoạt động đầu tư này.
Thi công một đằng, thanh toán một nẻo
Một loạt kết luận được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, các dự án BOT đường bộ mắc nhiều sai phạm. Một trong những sai sót đáng chú ý nhất là bị phát hiện là thanh toán tiền thi công không đúng so với thực tế.
Tại dự án mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế do Công ty TNHH Trùng Phương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện chủ đầu tư thanh toán sai khối lượng khoảng 23 tỷ đồng và sai định mức, đơn giá hơn 3,3 tỷ đồng.
Tương tự, trong 234,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thực hiện, kiểm toán cũng chỉ ra hơn 9,9 tỷ chênh lệch sai khối lượng. .
Cuối cùng, Kiểm Toán Nhà nước yêu cầu Công ty Trùng Phương phải giảm thanh toán chi phí đầu tư gần 26 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng 9,7 tỷ đồng...
Trạm thu phí BOT mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện sai sót tương tự trong dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, Quốc lộ 1A tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tính đến cuối năm 2015, dự án đã bỏ ra hơn 938 tỷ đồng đầu tư. Nhưng con số thực tế được Kiểm toán chấp nhận là hơn 927 tỷ đồng, thấp hơn 11,2 tỷ đồng so với con số báo cáo.
Liên quan đến con số 11,2 tỷ chi sai này, theo cơ quan kiểm toán, công tác nghiệm thu chưa rà soát kỹ lưỡng nên chưa phát hiện được tồn tại ở bước thiết kế và dự toán dẫn tới thanh toán chưa đúng thực tế thi công, đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền kể trên.
Thời điểm cuối năm 2015, dự án này còn hơn 525 tỷ đồng chưa được thực hiện. Nhưng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ chấp nhận con số hơn 498 tỷ đồng, thấp hơn trên 26 tỷ đồng. Nguyên nhân do sai khối lượng là hơn 13,5 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 1,8 tỷ đồng, sai khác là gần 11 tỷ đồng.
Cuối cùng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 32,6 tỷ đồng, trong đó giảm thanh toán hơn 11 tỷ, giảm giá trị hợp đồng hơn 21 tỷ.
Khi kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên- Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này. Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi, rút ngắn được 5 năm rưỡi.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, những sai phạm kể trên trong các dự án BOT giao thông cũng đã được Kiểm toán Nhà nước báo cáo rõ ràng. Kiểm toán Nhà nước khẳng định những sai phạm, bất cập trên “cần phải được chấn chỉnh, khắc phục”.
BOT đường bộ vào “tầm ngắm”
Trong báo thẩm tra về thu chi ngân sách 6 tháng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề cập đến các “điểm đen” BOT đường bộ.
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng xây dựng các dự án BOT “đang có nhiều bất hợp lý”. Nhiều tuyến giao thông quan trọng, duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí thiếu quy hoạch, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, đội vốn quá cao.
"Mức nộp phí cao, nộp phí để hoàn vốn cho tuyến giao thông mà người dân không sử dụng, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế", Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý.
Phí BOT gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát và chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT, trong đó làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong đầu tư, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.
Trong khi đó, thuyết minh về sự cần thiết phải tiến hành giám sát chuyên đề BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh: Việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định…
Đặc biệt, cơ quan thường trực Quốc hội cũng lo ngại việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, làm dư luận bức xúc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn việc phần lớn các dự án BOT sử dụng vốn vay ngân hàng và một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh.
“Về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Như vậy, trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước thay vì chuyển dịch trách nhiệm sang khu vực tư nhân như mục đích ban đầu”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.
Lỗ hổng quản lý BOT, tiền tỷ thất thoát Nhà nước cấp phép dự án BOT thời hạn 20 năm nhưng thời gian hoàn vốn chỉ có 10 năm, còn lại tiền ngân sách sẽ chảy vào túi doanh nghiệp. Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, cho biết, các quy định pháp luật hiện hành đang tạo ra nhiều lỗ hổng trong việc quản lý các dự án BOT, BTO, PPP,... đặc biệt là các dự án BOT đang được dư luận quan tâm. Theo ông Sơn, khó khăn hiện nay là chưa có quy định về thời gian thực hiện hợp đồng và thời gian hoàn vốn dự án. “Mình cấp giấy phép hoạt động có thể 20 năm trong khi thời gian hoàn vốn chỉ 10 năm. Thời gian còn lại, nếu quản lý không chặt, ngân sách tự nhiên sẽ chảy vào túi tư nhân”, ông Sơn nói.
Ông nhấn mạnh, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thu phí ở các dự án hiện nay có đúng như trong dự án được duyệt hay không. Vị giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng nêu lên hiện tượng các chủ đầu tư cố tình đưa vào dự án con số thu phí/ngày giảm xuống để kéo dài thời gian thu, còn trên thực tế, số tiền thu gấp đôi con số này. “Vậy số tiền chênh lệch gấp đôi đó sẽ chia lợi nhuận như thế nào? Nhà nước cần phải rút ngắn thời gian thu phí các dự án BOT, lập một cơ quan thanh tra, giám sát việc thu phí hoặc đặt một thiết bị thu phí tự động để giám sát doanh thu”, ông Sơn đề nghị. Theo ông Sơn, hiện đang có hiện tượng thả nổi việc quản lý thu phí BOT. Thực trạng này khiến người dân ngày càng phải ‘cõng’ nhiều loại phí trong khi ngân sách không được hưởng lợi. Ông đề xuất cần có các quy định thật chặt để giám sát. Kiến nghị của ông Sơn về quản lý BOT đã được chuyển tới đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc tại Đà Nẵng, nhằm lấy ý kiến về những hạn chế của Luật Đầu tư và các văn bản luật khác liên quan. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết sẽ tổng hợp ý kiến này gửi lên Chính phủ để trình ra Quốc hội xem xét, sửa đổi. Cao Thái |