Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên - Nguyễn Văn Đoạt, Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định. 

Bên cạnh đó, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm và các văn bản chỉ đạo, điều hành của ngành.

Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Cùng với đó, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục cũng được quan tâm thực hiện. Toàn ngành có 7.399 phòng học, 1.841 phòng học bộ môn, 3.597 phòng nội trú học sinh, 1.777 phòng công vụ giáo viên, trong đó có 9.395/14.614 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ trên 64%).

Các cơ sở giáo dục cũng đẩy mạnh xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Chủ động kiểm tra, rà soát thường xuyên chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của người học để khắc phục nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Điện Biên 1
Tỉnh Điện Biên có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục phổ thông có 2.191 bộ thiết bị dạy học, tỷ lệ đáp ứng khoảng 88% nhu cầu. Cùng với đó, chủ động rà soát nhu cầu mua sắm thiết bị lớp 4, 9, 12 để xây dựng kế hoạch mua sắm trong năm 2024.

Được biết, tỉnh Điện Biên hiện có 483 trường, trung tâm với 7.387 lớp và trên 208.000 học sinh, học viên, sinh viên. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 129 trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân.

Chế độ chính sách đối với nhà giáo, học sinh, sinh viên được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học và đảm bảo đúng quy định.

Ngoài ra, công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được tỉnh chú trọng. Tỉnh Điện Biên có 100% đơn vị hành chính cấp xã, huyện duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mức độ 2. Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3 tiếp tục tăng. 

Như vậy đến nay, với Tiêu chí số 5 (trường học), toàn tỉnh có 87/115 xã đạt; chiếm 75,7% tổng số xã nông thôn trên địa bàn. Với Tiêu chí số 14 (giáo dục và đào tạo), toàn tỉnh có 94/115 xã nông thôn đạt; chiếm 81,7% tổng số xã nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 78/115 xã nông thôn đạt cả 2 tiêu chí số 5 và số 14, chiếm xấp xỉ 68% tổng số xã nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, kết quả trên là minh chứng rõ nét nhất cho những chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Từ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Được biết, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có 44 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã chỉ đạt dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã. Ngoài ra, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 50,9% tổng số thôn bản trên địa bàn nông thôn của tỉnh.

Để làm được điều đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc ngành phụ trách gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho các trường. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản...