Kyiv, Vinytsia, Odesa, Zaporizhzhia, cùng nhiều thành phố khác cũng liên tiếp hứng chịu các đợt “cảm tử”. Chính phủ Ukraine đã phải kêu gọi các nước phương Tây nhanh chóng hỗ trợ đối phó thách thức mới.
Trước hết, drone cảm tử, là một loại vũ khí trên không, chúng còn được biết đến với cái tên “bomb lảng vảng” do khả năng bay vòng quanh một thời gian trong khu vực mục tiêu tiềm năng và chỉ tấn công khi xác định rõ đối tượng. Các thiết bị này nhỏ, cơ động và dễ dàng được phóng đi khiến chúng khó bị phát hiện và triệt hạ từ xa.
Không giống như các phương tiện không người lái truyền thống khác, lớn hơn và nhanh hơn quay trở lại căn cứ sau khi tấn công mục tiêu bằng tên lửa, drone “kamikaze” được thiết kế để đâm vào mục tiêu và kích nổ đầu đạn.
Chiến thuật drone “cảm tử” đã được đề cập tới ngay từ khi cuộc chiến quy mô lớn giữa Nga và Ukraine diễn ra vào cuối tháng 2, nhưng phải đến thời gian gần đây, mối đe doạ này mới trở nên hiện hữu.
Nỗi kinh hoàng trên không
Giới quân sự Ukraine và tình báo Mỹ cáo buộc Nga đang sử dụng các drone có nguồn gốc từ Iran trên chiến trường. Vào tháng 7, các quan chức Mỹ cho biết quốc gia Hồi giáo đã bắt đầu chuyển các mẫu máy bay không người lái Shahed cho phía Nga thông qua sân bay Kashan, nằm phía Nam thủ đô Tehran.
Đến tháng 8, Washington tiếp tục khẳng định Moscow đã mua những chiếc drone này đưa vào huấn luyện sử dụng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Nga đã đặt hàng khoảng 2.400 mẫu drone Shahed-136.
Iran đã phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga dù những bằng chứng trên chiến trường đang cho thấy điều ngược lại có thể đã xảy ra. Người phát ngôn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết “Iran đã nhiều lần khẳng định không phải là một bên trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đồng thời không gửi vũ khí nào cho cả 2 bên”.
Tháng trước, Ukraine cho hay lần đầu tiên đã bắn hạ 1 trong những chiếc drone này gần thành phố Kupyansk, thuộc Kharkiv. Sau đó, Kiev tiếp tục thông báo đã tiêu diệt 17 drone Shahed-136, đã được phía Nga đổi tên thành “Geran”, chỉ trong vòng 1 ngày.
Không chỉ sử dụng drone cảm tử nước ngoài, Nga cũng phát triển thiết bị của riêng mình tại nhà máy Kalashnikov Concern, có tên ZALA Lancet.
Trong khi có kích thước tương đối nhỏ, Shahed có khả năng mang theo tên lửa và tải trọng khoảng 50kg, khối lượng đủ để gây ra những thiệt hại đáng kể. Không chỉ vậy, Washington Post cho biết mẫu drone này không có nhiều các bộ phận bằng kim loại, cùng với tầm bay thấp, khiến các hệ thống radar và cảm biến rất khó phát hiện.
Dù vậy, Mick Ryan, Thiếu tướng nghỉ hưu thuộc quân đội Úc, nhận định các loại máy bay không người lái “nói chung có hiệu quả hạn chế trong việc nhằm vào các mục tiêu quân sự đòi hỏi sự chính xác”. Do đó, phía Nga đã sử dụng những drone này để tấn công vào các mục tiêu lớn như cơ sở hạ tầng thiết yếu của các thành phố.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã gieo rắc nỗi kinh hoàng về tâm lý khi diễn ra suốt ngày đêm trên cả nước - Tổng thống Zelensky thừa nhận. Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cũng đã lên án việc sử dụng máy bay không người lái do chúng có thể gây ra tổn hại về tinh thần và tâm lý cũng như các thương tích đe doạ tới tính mạng con người tại các khu vực đông dân cư.
Ukraine chật vật đối phó
Chính quyền Kiev đã đề nghị các đồng minh nhanh chóng hỗ trợ các hệ thống phòng không kể từ đầu cuộc chiến, và yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi phía Nga tăng cường sử dụng drone tấn công cảm tử. Phía Ukraine thừa nhận họ mới chỉ đáp ứng được 10% những gì cần thiết để chống lại chiến thuật mới từ quân đội Nga.
Không giống như các hệ thống phòng không chống tên lửa hành trình hay các vũ khí tương tự, để chống lại mối đe doạ từ phương tiện bay cảm tử, Ukraine cần những hệ thống đặc thù. Tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định các hệ thống phòng không như Patriot của Mỹ hoặc hệ thống do Israel sản xuất, đều có thể được sử dụng trong ngăn chặn các đợt tấn công drone.
Thế nhưng, việc tập hợp chuyển giao, triển khai và đưa vào sử dụng những hệ thống này cũng là bài toán không thể giải quyết nhanh chóng do các hệ thống không giống nhau, yêu cầu phải có thời gian huấn luyện kéo dài lên tới hàng tháng và hàng năm để chúng có thể liên kết chung với hệ thống chỉ huy, đảm bảo khả năng tác chiến và liên lạc.
Trong khí đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng sẽ không có lời giải chung cho tất cả các mối đe doạ với hệ thống phòng không và đặc biệt là các mẫu drone này. Tom Karako, Giám đốc dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng Ukraine sẽ cần sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp nếu muốn ngăn chặn các đợt tấn công cảm tử, có thể là các tên lửa Stinger vác vai, cho đến những hệ thống tối tân hơn như NASAMS (tên lửa đất đối không), cùng các hệ thống đánh chặn và tác chiến điện tử phá sóng liên lạc khác.
Dù vậy, không phải là Ukraine không có các mẫu drone cảm tử. Nước này đang sử dụng thiết bị RAM II, phát triển bởi một số công ty nội địa và mua bằng tiền huy động từ cộng đồng. Theo nhà sản xuất, loại đạn dẫn đường chính xác này có thể mang đầu đạn nặng 3kg, phạm vi bay lên tới 30 km.
Ngoài ra, Kiev cũng đã nhận được máy bay không người lái từ Mỹ và đồng minh, chẳng hạn như các mẫu Switchblade, cũng là 1 dạng drone cảm tử cỡ nhỏ, sản xuất bởi công ty quốc phòng Mỹ AeroVironment, với cự ly tấn công 9,6 km (Switchblade 300) và 32 km (Switchblade 600). Cả 2 hệ thống đều có thể được thiết lập và khởi chạy trong vòng vài phút. Bên cạnh đó, còn có 850 drone siêu nhỏ Black Hornet phóng tay do vương quốc Anh hỗ trợ, cũng như mẫu Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã xuất hiện từ đầu cuộc chiến.
Thế Vinh