Khôi phục hoạt động du lịch
Trải qua 2 năm chống chọi với đại dịch, nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Với đặc điểm là tỉnh ven biển với địa thế, khí hậu thuận lợi, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, nên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh càng không tránh khỏi thiệt hại đáng kể trong thời gian qua.
Theo thống kê, trong đợt dịch thứ 4, thành phố du lịch Vũng Tàu là địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với việc đóng cửa du lịch, 95% doanh nghiệp ngành du lịch ngưng hoạt động, hơn 5.000 lao động trong lĩnh vực này bị thất nghiệp kéo theo 12.000 lao động ở lĩnh vực "ăn theo" cũng rơi vào cảnh tương tự.
Quyết định mở cửa hoạt động du lịch trở lại của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở thời điểm cuối năm mang nhiều ý nghĩa tích cực. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và có hiệu lực từ ngày 10/12.
Với việc được phép đón khách từ ngày 10/12, ngành du lịch sẽ có đủ thời gian để chỉnh trang cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng phương án thích ứng an toàn để sẵn sàng đón khách trong dịp cao điểm này. Hơn nữa, đây còn là bước tạo đà quan trọng để ngành du lịch bước vào mùa cao điểm du lịch 2022, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ hội cất cánh sau đại dịch. |
Bà Rịa – Vũng Tàu quy định du khách đến địa phương phải đáp ứng nghiêm ngặt các điều kiện an toàn về phòng chống dịch như tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả test nhanh âm tính trước ngày khởi hành, cam kết thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến", nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cùng nhiều quy định khác nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh ngay từ đầu.
Từ 16/10, sau khi bắt đầu triển khai chỉ đón một lượng khách nhỏ, đến nay sau 1 tháng hoạt động tổng lượng khách tại 4 cơ sở thí điểm lưu trú trên đã phục vụ trên 3.200 lượt. Đáng chú ý, có cơ sở đạt 100% công suất phòng vào các ngày cuối tuần.
Từ 4 cơ sở lưu trú thí điểm ban đầu, đến nay nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đang hoàn thiện các bộ tiêu chí đón khách để có thể tham gia mô hình du lịch khép kín. Tiếp nối kế hoạch phục hồi du lịch, cuối tháng 10 vừa qua Bà Rịa – Vũng Tàu ra mắt Sàn thương mại điện tử về du lịch và công bố kế hoạch tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến.
Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay khi ra mắt, các sự kiện trên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu Sàn thương mại điện tử về du lịch tăng mạnh. Hiện đã có gần 420 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại đăng ký tham gia sàn và hội chợ du lịch trực tuyến.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết: “Sở đã có văn bản đề nghị và nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển du khách về 2 địa điểm nghỉ dưỡng nêu trên”. Trong đợt đầu tiên thí điểm tổ chức tour khép kín, đã có hơn 1.000 du khách đăng ký tham gia tới 4 địa điểm được tổ chức tour du lịch này tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đẩy mạnh nhiều giải pháp thích ứng an toàn
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, khó khăn với doanh nghiệp du lịch trong thời gian qua thì không thể thống kê cho hết song với quyết định cho mở cửa trở lại là điểm sáng, khiến ngành du lịch hồi sinh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở thời điềm này chính là thiếu hụt lao động.
Từng bước khôi phục du lịch, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đề nghị các doanh nghiệp du lịch đầu tư trang thiết bị, tăng các gói khuyến mãi, khuyến khích để du khách lưu trú lâu hơn. "Các doanh nghiệp đã hiểu các quy định cũng như việc tổ chức triển khai thống nhất trên toàn địa bàn TP Vũng Tàu trong việc thu hút và phục vụ khách trong điều kiện bình thường mới. Hy vọng với nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền trong những ngày gần đây, chúng ta sẽ đón được khách du lịch về với thành phố và phục hồi ngành du lịch của tỉnh", Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu bày tỏ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành du lịch và các đơn vị kinh doanh khác trên địa bàn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở Du lịch tỉnh đã cho ra mắt nền tảng Sàn thương mại điện tử dulichbariavungtau.com và dulich.baria-vungtau.gov.vn vào tháng 11 vừa qua. Đây là Sàn thương mại điện tử dành riêng để hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, đặc sản của tỉnh.
Từ ngày 23/12 đến 02/01/2022 sẽ chính thức diễn ra chương trình Hội chợ Du lịch trực tuyến đầu tiên trên Sàn thương mại điện tử này. Đây cũng là dịp để khách du lịch toàn quốc có thể đặt mua được các ưu đãi hấp dẫn về tour du lịch, khách sạn - lưu trú, đặc sản… của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội chợ Du lịch trực tuyến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có hàng loạt sự kiện ưu đãi hấp dẫn từ 50%-100%, các gói voucher mua trước - sử dụng sau,...
Chia sẻ với khó khăn của ngành, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết sẽ luôn đồng hành, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch đảm bảo đúng hướng dẫn, thích ứng với từng cấp độ dịch, thực tế với cơ sở. Trong đó vai trò trách nhiệm của chủ các cơ sở du lịch là quan trọng khi vừa đón khách vừa phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều giải pháp. Theo ông Võ Thành Mỹ, Giám đốc Vietravel Vũng Tàu, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nên lấy bộ cơ chế an toàn của TP HCM làm căn cứ và các tiêu chí thích ứng chỉ nên bằng hoặc thấp hơn của TP HCM nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch cũng như du khách không gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc phân cấp độ dịch để làm căn cứ đánh giá việc hoạt động hay ngưng hoạt động của lĩnh vực này cũng không phù hợp. "Không nên có ranh giới phân cấp vùng vì các doanh nghiệp sẽ không thích ứng kịp với các cấp độ dịch thay đổi liên tục. Bà Rịa - Vũng Tàu nên tìm cơ chế ổn định hơn", ông Võ Thành Mỹ nhận định.
Bích Thủy