Tận dụng lợi thế công nghệ
Theo Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã chính thức tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế.
Dữ liệu khai báo được liên thông trực tiếp đến Hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một tính năng rất thiết thực, tạo thuận lợi cho người dùng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” có thể khai báo y tế theo quy định mà không cần phải chuyển sang nền tảng khác.
Ngoài ra, ứng dụng đang được nâng cấp, tích hợp thêm nhiều tính năng tiện ích khác như đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh du lịch, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ…
Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” của Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt từ tháng 10/2020 nhằm cung cấp cho khách du lịch công cụ hữu ích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế như Google, Youtube phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch.
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch |
Tổng cục Du lịch thường xuyên đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành; hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.
Chuẩn bị cho lộ trình thí điểm "hộ chiếu vắc xin" đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine https://travelpass.tourism.vn để đón du khách khi hoạt động du lịch quốc tế được mở lại.
Giải pháp vượt qua đại dịch
Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi ngành du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp then chốt để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành du lịch. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 cho thấy ngành Du lịch cần có những thay đổi để theo kịp những xu hướng mới. Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi, doanh nghiệp buộc phải có các giải pháp dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Cũng có nghĩa là các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số sẽ phục vụ tốt hơn.
Khẳng định đây là thời điểm thích hợp để tiến hành chuyển đổi số, ông Nguyễn Châu Á, CEO Công ty Oxalis Adventure Tours nói: “Trên thế giới, chuyển đổi số trong ngành Du lịch đã manh nha từ những năm 90 và bắt đầu mạnh mẽ khoảng hơn 10 năm trước. Trong khoảng 10 - 20 năm tới, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên thế giới một là đã chuyển đổi số xong, hai là bản thân là công ty số từ lúc thành lập. Do vậy, chuyển đổi số là một chiến lược bắt buộc phải làm, sớm chừng nào tốt chừng nấy”.
Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Giảng viên chính Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nếu doanh nghiệp không nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng số hóa, họ sẽ bị các đối thủ vượt mặt và giảm khả năng cạnh tranh... Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp dám liên tục thử thách mình, đồng thời biết chấp nhận rủi ro và thất bại”.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam cho biết, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Khách hàng hiện đại muốn hướng đến sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Vì vậy, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc, mọi nơi chính là mong muốn của họ. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo sự minh bạch và phát triển bền vững”, ông Tuyên nói.
Đưa ra tư vấn ông Nguyễn Thế Kiên, Trung tâm Dữ liệu và phân tích kinh tế, xã hội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất, ngành du lịch có thể thúc đẩy chuyển đổi số như khuyến khích thúc đẩy các bên liên quan tham gia chiến lược chuyển đổi số du lịch quốc gia với sự tham gia của nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan.Ngoài ra, ngành du lịch nên tối ưu công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường dựa trên những tiến bộ công nghệ thông tin và nền tảng internet.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc chuyển đổi số, sử dụng ứng dụng và đăng ký an toàn Covid-19 cần sự tự giác, chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, chi tiết tới các đơn vị, doanh nghiệp để tạo hiệu quả tốt hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách; phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện chuyển đổi số.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bài ảnh: Bảo Anh