Chiều 28/5, Quốc hội họp ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam kiến nghị cần quan tâm về các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
“Luật sửa đổi lần này với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch”, ông Hạ nói.
Đại biểu phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách.
“Đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu”, ông Hạ nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ, thận trọng, có kiểm soát.
Góp ý về danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô quy định tại Điều 7, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị đề nghị nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Ông Đồng đề nghị dự thảo Luật cần tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; còn 9 đại biểu đăng ký phát biểu, 1 đại biểu đăng ký tranh luận, nhưng do hết thời gian đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để các cơ quan tiếp thu, giải trình. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được chỉnh lý.