Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Ninh Thuận”.
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với dân số khoảng 600.000 người. Cơ cấu kinh tế chính của Ninh Thuận đến từ các ngành dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong 30 năm qua, Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ninh Thuận từ tỉnh có xuất phát điểm kinh tế xã hội thấp, đến nay đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm. Từ một tỉnh nghèo có thu nhập thấp, Ninh Thuận nay đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.
Để đạt được những thành tựu đó, Ninh Thuận đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Địa phương cũng tích cực khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho việc hình thành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp quy mô lớn.
Mới đây, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định 330/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đây là lời khẳng định cho quyết tâm chuyển đổi số của Ninh Thuận.
Trước quyết tâm đó, Bộ KH&ĐT đã quyết định sẽ đưa chương trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp tới Ninh Thuận. Đây là chương trình nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và kết nối các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), hạn chế về chi phí đầu tư, thay đổi thói quen, tập quán người lao động hay thiếu nhân lực để triển khai chuyển đổi số là những rào cản chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong tiến trình chuyển đổi số.
Hiểu được sự quan trọng của chuyển đổi số và những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cùng các chuyên gia của VNPT, Cloudify, Freshdi, Amazon Global Selling đã lần lượt chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm thực tế nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Từ đó, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương tiến hành chuyển đổi số.
Các chuyên gia cũng tư vấn về việc ứng dụng nền tảng công nghệ nhằm minh bạch nguồn gốc, quảng bá và bảo vệ thương hiệu nông sản, thực phẩm. Đồng thời, chỉ ra hướng đi để doanh nghiệp cải cách quy trình hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tìm đầu ra mới cho sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trọng Đạt