LTS: Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn, các ý kiến góp ý với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển.

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình (trách nhiệm vô hạn). Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thể điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh lại được thực hiện tại Chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP (từ Điều 66 đến Điều 79) về đăng kí doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh giống doanh nghiệp tư nhân ở chỗ đều do thể nhân làm chủ. Tuy nhiên, hộ kinh doanh bị hạn chế bởi số lao động sử dụng, không thể mở chi nhánh, tức là phạm vi và quy mô hoạt động bị hạn chế.

Nay bàn sửa đổi Luật Doanh nghiệp và đưa nội dung về hộ kinh doanh vào luật có vẻ như muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Rõ ràng quản lý hoạt động của doanh nghiệp dễ minh bạch hơn so với quản lý hộ kinh doanh, đặc biệt là khi mong muốn thu được thuế nhiều hơn.

{keywords}
Có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?

Hình thái hộ kinh doanh là một tồn tại khách quan của bất kì nền kinh tế nào. Đã là tồn tại khách quan thì tự nó sẽ có nhu cầu chuyển thành doanh nghiệp khi hoạt động hộ kinh doanh bị giới hạn. Các chuỗi siêu thị dù có lớn mạnh thì vẫn tồn tại các cửa hàng, các chợ tiện lợi ở khắp mọi nơi. Bên cạnh các chuỗi nhà hàng với thương hiệu rực rỡ, thì các quán ăn nhỏ vẫn kiếm tiền như thường. Các nhà máy công xưởng cứ sản xuất các sản phẩm quy mô công nghiệp và hiện đại, còn các xưởng nhỏ vẫn không thiếu các khách hàng đa dạng.

Mỗi một bộ luật làm ra đương nhiên phải có những mục tiêu nhất định. Luật đi vào cuộc sống là luật đáp ứng được yêu cầu của những tồn tại khách quan. Hình thái hộ kinh doanh không phải là một hình thái quá độ, mà là một hình thái tồn tại hợp lý của một quy mô và phạm vi kinh doanh ở bất cứ nền kinh tế nào. Mặc dù, thu ngân sách ở khu vực hộ kinh doanh hiện nay có thể chỉ chiếm chừng 2% tổng thu ngân sách, nhưng việc không tận thu cũng là bồi bổ sức dân và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển.

Nếu bổ sung các quy định về kinh doanh hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp thì tốt nhất nên đổi tên luật này thành Luật Kinh doanh (law on business). Trường hợp không đổi tên luật này thì nên thiết kế một luật riêng cho hộ kinh doanh. Việc đưa nội dung đăng kí hộ kinh doanh vào một Nghị định hướng dẫn đăng kí doanh nghiệp như hiện nay là một sự gượng ép khi hộ kinh doanh lại không phải là doanh nghiệp. Tìm cách sửa luật để tăng cường quản lý và thu thuế thì không phải là mục tiêu đúng.

Việc các hộ kinh doanh không còn thoả mãn là hộ kinh doanh và phải chuyển thành doanh nghiệp nhưng không chuyển lại là vấn đề khác của quản lý.

Đất nước cứ chưa đến 20 người đã có một hộ kinh doanh. Nếu trừ người già, trẻ em, công chức, người làm doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, thì cứ 10 người có một hộ kinh doanh. Họ vừa là chủ, vừa làm thuê, vừa sản xuất, vừa tiêu dùng. Chẳng mấy mà giàu.

Neo họ vào trong luật để quản lý họ liệu có giúp họ phát triển?

Vũ Minh

Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội thuyết minh về hộ kinh doanh (Chương VIIa) trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi:

Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm các Điều 187b, 187c và 187d, 187đ và 187e (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp). Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau:

- Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh;

- Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.

Đồng thời, sửa đổi Điều 1, Điều 2 dự thảo Luật để bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.