Tăng nhanh nhưng chưa như kỳ vọng

Theo Liên minh HTX Việt Nam, nước ta hiện nay có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ).

Diện tích nhỏ, vốn và tài sản còn hạn chế, cho nên hộ nông dân cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX, THT… Có như vậy mới nâng cao được năng lực sản xuất hàng hóa, năng lực cạnh tranh với các đơn vị khác và với nông sản của nước ngoài.

Lược dòng lịch sử, mô hình hình thành và phát triển HTX trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Đến nay đã có hơn 3 triệu HTX ở mọi loại lĩnh vực/ ngành nghề trên toàn cầu, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.

Mô hình HTX khá thành công ở nhiều nước như: Đức (80% nông dân tham gia HTX, sản xuất được 80% lương thực, thực phẩm; chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn); Hà Lan (25,5 triệu thành viên HTX, đóng góp 18% GDP); Nhật Bản (65 triệu thành viên HTX, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của HTX).

sinh vien nong nghiep.png
Sinh viên các trường tham dự ngày hội việc làm mới đây...

Đặc biệt tại Trung Quốc, quốc gia 1,4 tỉ dân này có 30.287 HTX, thu hút hơn 80% hộ nông dân tham gia thành viên; hay nước láng giềng Thái Lan có tới 6.626 HTX, đóng góp 13% GDP. Ngay như cường quốc kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ cũng có tới 50.000 HTX, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ..

Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, 123.241 THT và 125 liên hiệp HTX. Ước tính đến tháng 12/2023 này, con số HTX, THT và liên minh HTX tăng thêm khoảng 20%, nhưng quy mô sản xuất, vốn tín dụng cho tới nhân lực, công nghệ đều còn rất khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng.

Công nghệ và nhân lực cho các HTX

Bài toán đặt ra cho nông nghiệp nói chung, các HTX nói riêng là, làm sao để tăng trưởng mô hình kinh tế tập thể cả về lượng và chất? Trong đó bài toán về công nghệ và nhân lực cho các HTX đang là 2 mấu chốt lớn nhất.

Nắm được vấn đề cốt lõi này, trong rất nhiều diễn đàn về nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đánh tan nhận thức cũ của sinh viên (đối tượng cần thu hút cho các HTX) và nông dân (đối tượng sản xuất trực tiếp, đang cần thu hút vào HTX và đồng thời là phụ huynh của các sinh viên) về tâm lý ly nông và ly hương.

Cụ thể, học đại học để thoát ly nông thôn, xóa bỏ thảm cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” chính là điều nông dân mong muốn ở con em mình. Tuy nhiên, lấy ví dụ lao động Việt Nam sang các nước làm việc hiện nay nhận các đơn về nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) rất lớn. Vậy, làm sao để những người này không phải ly hương/tha hương xứ người, nếu đi rồi sau này trở lại quê nhà sẽ dùng chính kiến thức và kinh nghiệm ấy để khởi nghiệp về nông nghiệp trên mảnh đất quê hương?

Với những người nông dân, làm sao xóa tan đi định kiến cả đời đã “bán mặt cho đất, bán lương cho trời” giờ không chấp nhận để con em mình tiếp tục làm nông? Để chính họ sẽ động viên con em mình học các ngành về nông nghiệp và làm giàu từ đất? Do đó, mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới ra đời trong đó công nghệ sẽ là nền tảng cho sản xuất, các phương thức canh tác cũ sẽ cần thay đổi, các hình thức tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm kiểu cũ sẽ cần thay thế.

HTX nông nghiệp thời 4.0 mang màu sắc Việt Nam

Thực tế, nông nghiệp 4.0 không thể gắn mãi với cái cày con trâu mà thay bằng máy móc; bán hàng không phải phụ thuộc vào đội quân thương lái “xe thồ” mà phải lên các nền tảng mạng xã hội hoặc lên sàn thương mại điện tử… Mới nhất, ngày 6/12, tại Hà Nội, “Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” đã thu hút sinh rất đông sinh viên giỏi của các trường đại học tham gia, trong đó chủ đề kéo sinh viên ngành nông nghiệp về đầu quân cho các HTX nông nghiệp kiểu mới được nhiều đại biểu bàn thảo.

Ở góc độ sinh viên, Nguyễn Tuấn Hưng (sinh viên năm 4, Học viện Nông nghiệp) cho biết: “Quê em ở Đông Hưng, Thái Bình. Vài năm gần đây tình trạng bỏ ruộng khá phổ biến do trồng lúa hay rau màu đều cho năng suất thấp, thu nhập không bằng công nhân. Nhiều người đi xuất khẩu lao động, ngay cả sinh viên ra trường khó kiếm việc cũng phải tha hương ra nước ngoài. Em rất muốn thay đổi nghịch cảnh này, với chính gia đình và bản thân khi nhà em còn hơn 2 mẫu ruộng ở quê đang chờ. Đến dự sự kiện, em mong mỏi tìm kiếm được ý tưởng khởi nghiệp, mạnh thường quân đỡ đầu cho những dự án em đang ấp ủ”.

Đồng cảm với các sinh viên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thỏa thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường. Mục tiêu lâu dài không chỉ là đào tạo sinh viên nông nghiệp, cái cần hướng tới là đào tạo được thế hệ sinh viên có thể dấn thân khởi nghiệp, chính các em sẽ tạo ra các doanh nghiệp/ HTX nông nghiệp thời 4.0 mang màu sắc Việt Nam thay vì chỉ là tìm kiếm một công việc.

Cùng chung các nhìn nhận, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed cho rằng, các bạn sinh viên hiện nay cần trang bị tốt 3 điều, đó là: Thái độ - Kiến thức sâu - Kỹ năng mềm; đồng thời phải thành thạo ngoại ngữ, tin học... Không chỉ dừng ở mục đích đi học rồi về đầu quân cho các HTX, sao các em không nghĩ tới tư duy mình sẽ là chủ các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp? Bởi các em sẽ chính là hạt nhân, là lực lượng nòng cốt của nền nông nghiệp 4.0 mang màu sắc Việt Nam hiện nay.

Hồng Nhung và nhóm PV, BTV