Theo thống kê đến hết năm 2023 cả nước có 921.333 xe kinh doanh vận tải, trong đó có 331.914 xe khách. Trong số hơn 331.914 xe khách có tới 225.264 xe hợp đồng (chiếm gần 70% tổng số xe khách).
Vì sao xe hợp đồng được nhiều người dân lựa chọn sử dụng?
Thông qua các nền tảng mạng xã hội, hành khách dễ dàng đặt xe hợp đồng, được đón tận nhà và trả tại nơi cần đến. Vì thế, xe hợp đồng đón khách lẻ (hay còn gọi là xe hợp đồng trá hình) được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, xe hợp đồng trá hình cũng gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua khi đón khách không đúng quy định, luồn lách trong phố gây ách tắc giao thông, nguy cơ gây tai nạn giao thông…
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Đây cũng là lý do vì sao loại hình dịch vụ xe hợp đồng (trong đó có xe hợp đồng trá hình) phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn vừa qua.
Vì thế, ông Quyền kiến nghị, Nhà nước nên định danh cho hình thức kinh doanh này. Đồng thời nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Quyền dẫn chứng, hiện việc kinh doanh tuyến cố định, xe buýt, taxi chỉ có doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia, còn xe hợp đồng thì cả doanh nghiệp,hợp tác xã và hộ kinh doanh đều được tham gia.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lo ngại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh xe hợp đồng, có thể tính chuyên nghiệp chưa cao, không có phòng, ban quản lý an toàn, vì thế vẫn còn đó những nguy cơ mất an toàn.
“Tôi cho rằng đây là điều cần quan tâm khi triển khai thực hiện Luật Đường bộ sắp tới. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu để quy định chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia loại hình xe hợp đồng, hay cho phép cả hộ kinh doanh cùng làm", ông Quyền nói.
Ông Quyền cũng nêu, dự thảo Luật Đường bộ đang trình Quốc hội, quy định: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng ô tô chở người, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ để vận chuyển hành khách theo hợp đồng bằng bản giấy hay điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái”.
Với định nghĩa này, theo ông Quyền, loại hình xe hợp đồng trá hình (đón khách lẻ) không còn nằm trong tiêu chí của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nữa. Vì thế, cần đặt ra nhiệm vụ với các cơ quan Nhà nước về việc xếp loại hình kinh doanh vận tải này.
Cũng theo ông Quyền, có thể xếp xe hợp đồng trá hình vào loại hình kinh doanh vận tải xe cố định là gần nhất. Và cơ quan quản lý nghiên cứu giảm bớt tiêu chí quản lý vận tải hành khách tuyến cố định, cũng như mở rộng khái niệm về bến xe, để có thể có những bến tạm thời ngoài các bến đã được quy hoạch.
Quản lý giống tuyến cố định sẽ không còn bản chất của xe hợp đồng
Trái với quan điểm của ông Nguyễn Văn Quyền, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, bản chất xe hợp đồng là linh hoạt, hành khách có thể thỏa thuận điểm đón trả, giá tiền. Vì thế, nếu quản lý giống xe tuyến cố định sẽ không còn là bản chất của xe hợp đồng.
Đồng quan điểm, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cũng cho rằng, với loại hình xe hợp đồng, trước mắt cần nghiên cứu hạn chế về mặt không gian. Theo đó, phải xác định được các vị trí có thể thành lập “bến xe ảo” với thời gian dừng, đỗ khoảng 3 - 5 phút ở khu vực nội thành, ngoại thành để loại hình vận tải khách theo hợp đồng hoạt động.
“Chúng ta cũng không nên nghĩ đến việc đưa tất cả xe hợp đồng vào bến như tuyến cố định. Nếu làm như vậy, loại hình xe hợp đồng sẽ không còn tính hấp dẫn, khó bảo đảm chất lượng phục vụ", GS.TS. Từ Sỹ Sùa nói.
Cũng theo GS.TS. Từ Sỹ Sùa, việc đưa xe hợp đồng vào hoạt động trong bến cũng không giúp được hành khách tiết kiệm thời gian, chi phí.