- “Hãy để nhan sắc là một lợi thế, là điểm mạnh cho người con gái chứ đừng biến nó thành “công cụ kiếm tiền”, thành thứ để thỏa mãn nhu cầu có cuộc sống xa hoa, như ý của mình”, Mỹ Anh – hotgirl trường Báo chia sẻ.


Sống dựa, sống bám đang hiện hình rất rõ ở một bộ phận không nhỏ người trẻ. Thay vì lao động để tự nuôi sống mình, họ chọn cách sống như tầm gửi, chỉ biết leo bám vào cành cây. Thậm chí có người sẵn sàng "bán thân" để có cuộc sống an nhàn.

Sống bám có ngày “chết yểu”

Là đại diện tiêu biểu cho thế hệ 9x, vừa thông minh vừa có nhan sắc, Đoàn Mỹ Anh, Hoa khôi báo chí 2012 cho rằng, sống bám sẽ khiến các bạn trẻ nói chung và 9x nói riêng mất đi tính tự chủ và độc lập, không biết tự lo cho cuộc sống của mình. Tính năng động và sáng tạo của một người trẻ cũng sẽ bị bào mòn khi họ chỉ mải lo sống dựa vào người khác mà quên lao động, học tập.

Ảnh minh họa.

Mỹ Anh chia sẻ: “Đạt được một điều gì đó mà không phải tốn nhiều thời gian, công sức - chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có lúc muốn như vậy. Thế nhưng để “tồn tại” trên đời này – đó tuyệt đối không thể là chuyện ngày một ngày hai. Nếu cứ chọn cách sống như một cây tầm gửi thì liệu cuộc sống có còn có ý nghĩa, liệu ngày mai nếu phải chết đi thì bạn có thấy hối hận vì đã không sống hết mình, không tự bước đi bằng chính đôi chân và thực lực của mình?”.

Đối với những bạn trẻ có lợi thế về nhan sắc, chọn cách yêu đại gia để có cuộc sống an nhàn, sung túc, Mỹ Anh bày tỏ: “Có trí thông minh, có sắc đẹp, đó chính là lợi thế của một người con gái, thế nhưng “dùng” trí thông minh và sắc đẹp đó như thế nào mới là điều đáng nói.

Dùng nhan sắc để “bám” vào người khác, để dựa dẫm vào người khác, để tự thưởng cho mình một cuộc sống sung túc mà không phải lao động gì cả, điều đó là không nên. Hãy để nhan sắc là một lợi thế, là điểm mạnh cho người con gái chứ đừng biến nó thành “công cụ kiếm tiền”, thành thứ để thỏa mãn nhu cầu có cuộc sống xa hoa, như ý của mình”.

Cũng đồng quan điểm với Mỹ Anh, cho rằng sống bám làm mất đi tính độc lập, tự chủ của giới trẻ, Nguyễn Quỳnh Trang (ĐH Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Tuổi trẻ rồi sẽ qua đi, sắc đẹp cũng sẽ tàn phai. Lối sống hưởng thụ sẽ tạo nên thói quen dựa vào người khác, chờ người khác lo cho mình. Khi có sự cố xảy ra, ví dụ như bị người ta bỏ rơi, không còn chỗ dựa, họ sẽ rất dễ bị suy sụp, không làm chủ được cuộc sống của mình.

Mình có biết một chị, chân dài, mặt hoa da phấn, yêu một anh chàng giàu có. Anh này lo cho chị ấy từ a tới z, nói chung là tình yêu thực lòng chứ không phải đào mỏ gì. Thế nhưng yêu nhau được gần 2 năm, đùng một cái anh này đi du học. Chả còn ai lo cho chị nữa nên chị suy sụp lắm. Hồi yêu nhau anh hứa sẽ xin việc cho khi chị ra trường, giờ không ai lo, ra trường dật dờ, chị như sống dở chết dở”.

Tiêu tiền người yêu, khác nào đào mỏ!

Sống dựa, sống bám không chỉ kiến người trẻ mất đi tính độc lập, tự chủ, dễ bị suy sụp khi mất chỗ dựa, mà nhiều ý kiến còn cho rằng, kiểu sống này làm lệch lạc quan niệm về tình yêu.
Hồ Đức Dũng (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ nhiều bạn gái buồn cười lắm. Đi ăn uống, cà phê, mua sắm là cứ mặc nhiên bạn trai phải trả tiền. Thậm chí anh bạn cùng phòng mình vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn vô tư của cô người yêu “anh ơi máy em hết tiền rồi, nạp cho em cái thẻ”.

Những cái nhỏ nhỏ như thế chả ai tính toán làm gì. Nhưng mình nói để thấy rằng, nhiều bạn gái quen thói ỷ lại người khác. Nhất là những cô có chút nhan sắc thì kiêu và đòi hỏi thôi rồi. Cứ phải xe tay ga, ví dày thì mới chịu đi chơi. Yêu mà cứ nhìn vào cái túi tiền như thế khác nào đào mỏ”.

Đức Dũng cũng cho rằng, tình yêu mà chỉ nhìn vào túi tiền, như kiểu chân dài chọn yêu đại gia vì có cuộc sống sung túc thì sẽ không bền.

“Chân dài yêu đại gia chỉ vì tiền thì đến khi đại gia phá sản, hết tiền thì tình cũng bay xa. Anh nào có tiền, đáp ứng được nhu cầu của họ thì họ lại tìm đến. Thế nên chả tự nhiên mà có chuyện hotgirl thay người yêu như thay áo”, Dũng nói thêm.

Cũng đồng quan điểm với Đức Dũng, Mỹ Anh (Hoa khôi báo chí 2012) chia sẻ: “Cá nhân em nghĩ rằng, trong tình yêu, tiền không phải là tất cả. Em nghĩ đến bố mẹ em, ngày xưa họ cũng rất nghèo, khi yêu cũng chỉ đèo nhau bằng chiếc xe đạp chứ đâu có “xế hộp” như bây giờ, khi cưới nhau rồi cũng phải sẻ chia từng miếng cơm manh áo, vất vả kiếm tiền,.. thế rồi họ vẫn yêu nhau và hạnh phúc cho đến tận bây giờ đấy thôi”.

“Tiền bạc có thể mua được những thứ khiến ta hạnh phúc nhưng chắc chắn tiền bạc không thể quyết định hạnh phúc của chúng ta”, Mỹ Anh nói thêm.

Cho rằng sống dựa, sống bám sẽ không có hạnh phúc lâu bền, Nguyễn Trung Nghĩa (26 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) kể câu chuyện: “Gần nhà mình có cặp vợ chồng trẻ, anh chồng thì giàu mà cô vợ thì xinh đáo để. Ai cũng bảo cô này sướng vì lấy được chồng giàu, chả phải làm gì, ở nhà ăn chơi, mua sắm rồi đi làm đẹp. Thế nhưng lúc bình thường anh chồng yêu chiều ngon ngọt bao nhiêu thì khi vợ chồng cãi cọ chửi rủa vợ thậm tệ bấy nhiêu. Có lần mình còn nghe anh này chửi “Đ. M con ăn bám. Cái ngữ mày ra ngoài đường đầy”.

“Sống dựa vào người khác thì nhục thế đấy. Chỉ có tự mình kiếm ra tiền, tự nuôi sống mình mới được người ta tôn trọng thôi. Đẹp để ngắm chứ có mài ra ăn được đâu. Hết tiền là làm cùn hết”, Nghĩa nói thêm.

La Hoàn