Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đơn vị này từng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do dùng bột màu thực phẩm không đúng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Gần đây nhất, một bệnh nhân tại Hà Nội vào viện trong tình trạng thiếu máu nặng. Theo bệnh nhân, trước đó vài ngày, chị ra chợ mua bột màu thực phẩm hay còn gọi bột mai quế lộ về cho vào nhân thịt làm nem rán. Sau hai ngày, bệnh nhân thấy người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, gai rét và đau đầu nên vào viện. Con trai bệnh nhân cũng có triệu chứng tương tự.
Bệnh nhân bị tan máu do sử dụng phải axitorange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp, chất nhuộm tóc và phụ gia thực phẩm ở một số nước.
Theo bác sĩ Nguyên, đây là bột màu thực phẩm nhưng dùng nhiều có thể gây tan máu ở người và động vật. Người dân không nên tự mua về dùng. Việc sử dụng bột màu thực phẩm không chỉ tuân thủ hàm lượng đúng tiêu chuẩn, mà còn phải đảm bảo độ tinh khiết. Do đó, việc người dân tự ý sử dụng sẽ không đảm bảo chất lượng và hàm, làm tăng nguy cơ ngộ độc.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, cũng cho biết hiện nay, việc mua bán sử dụng phẩm màu thực phẩm rất phổ biến. Người dân chỉ cần ra chợ mua có đủ các loại bột màu điều, bột màu hoa hiên hay các hương liệu để làm thực phẩm.
Bộ Y tế quy định sử dụng màu trong thực phẩm chỉ có 21 chất (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp). Việc sử dụng chất tạo màu như thế nào được quy định rất nghiêm ngặt. Các nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép với hàm lượng đúng quy định. Người dân không tự sử dụng màu thực phẩm tổng hợp trong nấu ăn.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng những màu tự nhiên an toàn không độc như dùng gấc, lá nếp, lá cẩm, lá dong riềng, nghệ… Không sử dụng các loại màu thực phẩm không rõ nguồn gốc nhất là bột màu hóa học.