"Nếu một sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của trường này nhưng năng lực làm việc không bằng một sinh viên khá hay trung bình của trường khác, đơn vị tuyển dụng sẽ đánh giá ra sao, hệ lụy của chuyện này thế nào?" - một hiệu trưởng nêu vấn đề.
Lời tòa soạn
Những năm gần đây, tại không ít trường đại học, số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Việc xuất hiện quá nhiều sinh viên đạt kết quả học tập rất cao đặt ra nhiều câu hỏi như: Cách kiểm tra đánh giá sinh viên hiện nay ra sao? Bằng cấp có thực sự đi đôi với năng lực?...
Tuyến bài “Tại sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc?” giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng này.
Với PGS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho hay tiêu chuẩn đặt ra của trường là “Học thật, thi thật, bằng thật, kết quả thật” vàbàytỏ sự e ngại trước thực trạng ngày càng xuất hiện nhiều bằng tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi và xuất sắc.
"Theo tôi, để có một tấm bằng giỏi rất khó, xuất sắc càng hiếm hoi hơn. Do đó, tôi cho rằng những trường đại học nếu có trên 50% sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc cần xem lại cách kiểm tra đánh giá.
Năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được đánh giá bởi thị trường lao động. Nếu nhà trường thả nổi đào tạo, giá trị bằng cấp không đi với năng lực làm việc, không sớm thì muộn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Hoàn nói.
Lý giải kỹ hơn, ông Hoàn cho rằng nếu doanh nghiệp tuyển dụng một sinh viên có bằng giỏi của trường A nhưng năng lực làm việc không bằng một sinh viên tốt nghiệp trung bình của trường B, thì dần dần họ sẽ đánh giá thấp chất lượng đào tạo của trường A.
"Sự đánh giá từ doanh nghiệp mới là minh chứng rõ ràng nhất, trung thực nhất cho chất lượng đào tạo" - ông Hoàng lưu ý.
“Đương nhiên, các trường có thể đưa ra quan điểm rằng sinh viên giỏi và xuất sắc nhiều là năng lực đào tạo, thương hiệu sẽ tăng lên. Nhưng đây là lập luận sai lầm vì đơn vị tuyển dụng chỉ quan tâm tới năng lực làm việc.
Thử hỏi một sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của trường mình nhưng năng lực làm việc không bằng một sinh viên khá hay trung bình của trường khác thì đơn vị tuyển dụng sẽ đánh giá ra sao? Họ sẽ đánh giá ngay việc đào tạo chứ không quan tâm đến thương hiệu của trường là gì đâu. Đừng để bằng giỏi, xuất sắc của trường đại học này chỉ bằng trung bình, khá của trường khác” - ông Hoàn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - thẳng thắn nhận định quá nhiều bằng giỏi, xuất sắc sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
"Đầu tiên là sự bất công trong tuyển dụng cho những trường đại học đánh giá sinh viên sòng phẳng. Có lần trò chuyện với phòng nhân sự của một tập đoàn lớn, họ nói với tôi có cử nhân ra trường bằng giỏi nhưng được giao viết email trả lời khách hàng đến 4-5 lần không đạt”- ông Dũng kể.
Hệ luỵ thứ hai, theo ông Dũng, là nếu giảng viên và nhà trường dễ dãi trong cách đánh giá, sinh viên sẽ “nhờn” mặt và không học hành thực chất. Lúc này điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Ông Dũng đề xuất các trường đại học phải luôn đổi mới cách kiểm tra đánh giá sinh viên. Trong đó, có thể chuyển sang đánh giá theo vấn đáp, đánh giá thực chất năng lực của sinh viên.
"Các trường cần tránh tình trạng đánh giá theo tiểu luận hoặc trắc nghiệm nhưng đề thi không cập nhật, làm cho sinh viên quen với “đề thi”, điểm số sẽ không phản ánh đúng thực lực.
Các trường cũng phải tổ chức đào tạo, tập huấn cho giảng viên về phương pháp đánh giá mới, trong bối cảnh ChatGPT phát triển để phát hiện các “mánh khoé” gian lận của sinh viên nếu có" - ông Dũng lưu ý.
Đại diện các trường cho biết có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc bởi các yếu tố như đầu vào, năng lực tự thân của sinh viên cũng như nỗ lực của nhà trường.
Theo các nhà quản lý giáo dục, có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc, trong đó không loại trừ lý do nhà trường "nhẹ tay" để làm đẹp hồ sơ.
Vài năm trở lại đây, không ít trường đại học có số lượng sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Thậm chí đã có trường chỉ gần 20% sinh viên tốt nghiệp loại khá trở xuống.