Cách đặt vấn đề đối với vai trò của môn Giáo dục công dân có thể là khá chung chung không mang tính định hướng rõ ràng. Và xin kiến nghị hãy giữ nguyên tên gọi của môn học là Giáo dục công dân từ Tiểu học lên đến THPT.
Nên thống nhất tên môn học Giáo dục công dân cho cả ba cấp
Theo dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể (dưới đây gọi tắt là Chương trình), môn Giáo dục công dân (GDCD) ở ba cấp học được đặt theo ba tên gọi khác nhau: Giáo dục lối sống ở Tiểu học (TH), Giáo dục công dân ở THCS, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ở THPT.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Tức là, ở TH và THPT, các tác giả Chương trình đang lấy nội dung môn học để đặt tên cho môn học. Điều này vừa không khái quát và chỉ ra đúng đối tượng mà môn học này hướng tới giáo dục, chệch mục tiêu, vừa không phản ánh được nội dung cốt lõi và định hướng tiếp cận của môn học.
Do đó, xin kiến nghị hãy giữ nguyên tên gọi của môn học là GDCD dân từ TH lên đến THPT bởi mấy lý do sau đây:
Trước hết, vì đối tượng giáo dục của môn học là công dân tên gọi môn học phải là GDCD. Tên gọi của môn học GDCD phản ánh đúng về đối tượng giáo dục, đồng thời là căn cứ để xây dựng nội dung. Cụ thể:
Theo nghĩa chung nhất, công dân là cá nhân thuộc một quốc gia được hưởng các quyền dân sự, chính trị và có nghĩa vụ công dân đối với quốc gia theo quy định pháp luật của quốc gia đó (1).
Dù tiếp cận ở góc độ Chính trị học hay Luật học, khái niệm công dân luôn gắn với ba khái niệm cơ bản: quyền công dân, trách nhiệm công dân và nghĩa vụ công dân. Trong đó, quyền và nghĩa vụ luôn gắn kết với nhau được quy định trong pháp luật, còn trách nhiệm những hành vi công dân nên làm do ràng buộc, sự thúc ép của lương tri và áp lực xã hội. Khái niệm trách nhiệm cũng đồng nghĩa với khái niệm bổn phận.
Có thể thấy, nếu coi công dân làm đối tượng giáo dục thì quyền công dân, trách nhiệm công dân, nghĩa vụ công dân chính là những nội dung cốt lõi, là định hướng tiếp cận môn học, xuyên suốt từ TH lên đến hết THPT. Những nội dung liên quan đến trách nhiệm, bổn phận công dân được giáo dục thông qua cách tiếp cận giáo dục đạo đức, còn những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân được giáo dục thông qua cách tiếp cận giáo dục pháp luật.
Về cấu trúc môn học, nếu coi các mối quan hệ giữa của công dân với người khác, cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên là lát cắt ngang, thì quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chính là những cốt lõi theo chiều dọc của toàn bộ chương trình GDCD. Nếu tiếp cận xây dựng chương trình GDCD từ hai chiều dọc - ngang như vậy, các nội dung khác như kỹ năng sống, giá trị sống... sẽ được hiển thị và việc định khung năng lực từ lớp 1 đến lớp 12 cho môn học sẽ trở nên tường minh.
Thứ hai, ở TH, việc thay tên gọi môn học Đạo đức trong chương trình hiện hành, bằng tên gọi Giáo dục lối sống tạo ra sự khó khăn trong việc định hình nội dung, đối tượng giáo dục và phạm vi môn học, do khái niệm ”lối sống” có nhiều cách tiếp cận và rất phức tạp về nội hàm. Cụ thể:
Khái niệm ”lối sống” tiếng Anh là life-style, hoặc way of life; tiếng Pháp là mode de vie; tiếng Trung Quốc 生活方式 (sinh hoạt phương thức). Khái niệm lối sống đồng nghĩa với khái niệm phương thức sống, cách sống.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Lối sống với tư cách là một khái niệm khoa học là một vấn đề lớn, được nhiều ngành khoa học tiếp cận, như: Triết học, Xã hội học, Văn hóa học... Vậy, khi xây dựng chương trình Giáo dục lối sống, nhóm tác giả tiếp cận khái niệm lối sống từ góc độ nào? Tại sao? Bởi cách tiếp cận khái niệm khác nhau sẽ cho ra những định hướng nội dung khác nhau.
Chẳng hạn, Từ điển Xã hội học Oxford định nghĩa lối sống (life-style): "Theo nghĩa chung nhất và thường được sử dụng nhất, thuật ngữ này nói đến những cách sống khác nhau, thường đập ngay vào mắt người ta thông qua những giá trị và phương thức tiêu dùng, là những cái đi kèm theo sự khác biệt hóa ngày càng tăng của các xã hội tư bản chủ nghĩa tiên tiến... Những khác biệt hóa như vậy, đôi khi được coi là cái thay thế cho các giai cấp kinh tế - xã hội để trở thành nguyên tắc chủ yếu của sự phân chia xã hội” (2). Theo định nghĩa này, các tác giả của Từ điển Xã hội học Oxford dường như muốn đồng nhất khái niệm lối sống với khái niệm mức sống. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường trong việc xây dựng nội dung giáo dục cho học sinh TH.
Khái niệm lối sống thường được gắn với những tính từ khác để thể hiện một khuôn mẫu hành vi mà cá nhân hoặc nhóm nào đó lựa chọn như: lối sống phương Tây, lối sống truyền thống, lối sống buông thả, lối sống nổi loạn, lối sống thành thị, lối sống nông thôn... Nhóm tác giả chương trình môn Giáo dục lối sống sử dụng khái niệm ”lối sống” theo hướng tiếp cận nào? Bởi, nếu không có cách tiếp cận rõ ràng, giáo viên và học sinh sẽ không biết dạy – học thế nào cho phù hợp.
Khái niệm lối sống có mối quan hệ mật thiết với khái niệm văn hóa, bởi lối sống được hình thành trên nền tảng các khuôn mẫu văn hóa, được đặc trưng bởi niềm tin, giá trị, quan niệm, ý nghĩa. Về mặt biểu hiện, lối sống của cá nhân dường như là những hành vi rời rạc không liên quan đến nhau, nhưng trên thực tế, tất cả những hành vi đó đều bị quy định, chế ước bởi những thể chế xã hội mà cá nhân đó sinh sống, do cộng đồng thể chế hóa bằng những quy ước thành văn hay bất thành văn mà cá nhân hay cộng đồng đó phải tuân theo.
Các thể chế xã hội mang tính lịch sử, do đó các khuôn mẫu văn hóa, khuôn mẫu hành vi trong mối giai đoạn lịch sử cũng thay đổi. Do đó, trong việc xây dựng mục tiêu và nội dung chương trình Giáo dục lối sống, các tác giả Chương trình cần trả lời câu hỏi: Vậy, định hướng cho môn học Giáo dục lối sống sẽ theo khuôn mẫu hành vi nào? Nội dung ”lối sống” mà nhóm tác giả dự kiến xây dựng sẽ có cấu trúc như thế nào? Bao nhiêu khuôn mẫu hành vi là vừa? Khuôn mẫu hành vi đó được dựa trên những khuôn mẫu văn hóa nào? Tại sao? Ai/cơ quan nào phê chuẩn những khuôn mẫu đó?
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Từ khuôn mẫu văn hóa, người ta mới xây dựng thành các khuôn mẫu hành vi, chuẩn hành vi. Bởi chỉ có theo logic này thì việc đánh giá đầu ra cho môn học mới khả thi. Nói cách khác, nếu không xây dựng được các khuôn mẫu hành vi, chuẩn hành vi thì không thể nào đo lường, đánh giá sự hình thành năng lực, phẩm chất.
Có thể thấy, nếu để tên gọi môn học là Giáo dục lối sống thì cá tác giả Chương trình cần định nghĩa và trả lời rõ một số câu hỏi liên quan đến khái niệm lối sống trên đây. Còn nếu gọi tên môn học là Giáo dục công dân thì việc thiết kế chương trình theo hai chiều dọc – ngang như trên đã trình bày sẽ đi đúng định hướng về đối tượng và nội dung giáo dục.
Tóm lại, đối tượng giáo dục là công dân thì gọi tên môn học là GDCD, sao lại phải sinh ra tên gọi Giáo dục lối sống làm gì?
Tương tự như ở Tiểu học, ở THPT, tên môn học này là Giáo dục Pháp luật và Kinh tế, tức là lấy nội dung môn học để gọi thay tên môn học. Nếu theo cách gọi này, thay vì gọi Toán học, có thể đặt tên môn là Giáo dục Đại số và Lượng giác, thay vì gọi Vật lý có thể đặt tên môn là Giáo dục Điện học và Quang học... Nhưng nguy hại hơn, theo cách gọi đó, môn GDCD đã tự đánh mất đối tượng giáo dục.
Do đó, đề nghị các tác giả Chương trình giữ nguyên tên gọi GDCD ở THPT.
Thêm vào đó, theo như Dự thảo Chương trình viết: ”Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật" thì phải hiểu cụm từ ”học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật như thế nào"? Theo cách tiếp cận nào? Pháp luật và Kinh tế là hai lĩnh vực rất rộng, nếu không có hướng tiếp cận rõ ràng, thì không biết dạy bao nhiêu cho đủ. Rất có thể sẽ lặp lại hạn chế của chương trình môn GDCD ở THPT hiện hành.
Tóm lại, từ mạch nội dung cốt lõi về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân phải là nội dung giáo dục xuyên suốt từ TH đến THPT nên tên gọi của môn học phải thống nhất cả về nội dung và hình thức cho cả ba cấp học – GDCD.
Về cách đặt vấn đề đối với vai trò của môn GDCD
Trong dự thảo có ghi: ”GDCD giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân cách công dân". Cách đặt vấn đề này, các tác giả Chương trình nên xem lại.
Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Vì, thứ nhất, khái niệm nhân cách có nhiều cách tiếp cận, những người biên soạn chương trình đang sử dụng khái niệm và mô hình cấu trúc nhân cách nào? Mô hình cấu trúc nhân cách nào phù hợp với Việt Nam hiện nay? Chỉ khi định hình được mô hình cấu trúc nhân cách thì mới có thể xây dựng được các nội dung, hoạt động, môi trường phù hợp tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách.
Thứ hai, việc ghép "nhân cách" và "công dân" thành khái niệm nhân cách công dân là không phù hợp về mặt khoa học. Khái niệm công dân thuộc phạm vi nghiên cứu của Chính trị học, Luật học, còn khái niệm nhân cách thuộc phạm vi nghiên cứu của Tâm lý học, Xã hội học. Nói đến công dân là nói đến quyền công dân, trách nhiệm công dân, nghĩa vụ công dân, còn nói đến nhân cách là nói đến tổ hợp các phẩm chất tâm lý ổn định một cách tương đối, như là kết quả sự tham gia của cá nhân vào các mối quan hệ liên cá nhân (3).
Sự phát triển của cá nhân trong hoạt động bị điều khiển bởi hệ thống động cơ mang tính tự thân. Còn sự phát triển của công dân bị ràng buộc bởi hệ thống luật pháp và áp lực dư luận xã hội. Thế nên mới có tình huống một nhân cách tốt (khi anh ta có một nhân cách hoàn chỉnh) nhưng chưa hẳn đã là một công dân tốt (khi anh ta không hoàn thành nghĩa vụ hay trách nhiệm công dân), và ngược lại.
Thứ ba, nói đến nhân cách là nói đến một tập hợp các đặc tính ít nhiều ổn định, theo đánh giá và phán xét của những người khác, giúp phân biệt một cá nhân này với một cá nhân khác. Những đặc tính này được cho là bền vững qua thời gian và không gian, và chi phối hành vi (4). Nhân cách là những giá trị đặc biệt của con người cụ thể, là cái đặc sắc hay tiêu chí để phân biệt người này với người khác. Như vậy, nhân cách thuộc về cái riêng, cái đặc thù mà cá nhân lựa chọn để trở thành, còn công dân là cái chung, với những thuộc tính phổ biến mà mọi người phải tuân theo.
Như vậy, cách đặt vấn đề đối với vai trò của môn GDCD có thể là khá chung chung không mang tính định hướng rõ ràng.
Trên đây là vài góp ý, đề nghị, rất mong Ban chỉ đạo Biên soạn Chương trình Giáo dục phổ thông, các tác giả Chương trình môn Giáo dục công dân tham khảo.
TS. Phạm Quỳnh
------------------
1. Nhà Luật Việt – Pháp: Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp – Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.103.
2. ĐHQG Hà Nội – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: Sđd, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2012, tr.273. Nhóm dịch giả: Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa.
3. Nguyễn Văn Lũy – Lê Quang Sơn: Từ điển Tâm lý học, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.327 – 328.
4. ĐHQG Hà Nội – Trường ĐH KHXH và Nhân văn, Từ điển Xã hội học Oxford, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012, tr.370. Nhóm dịch giả: Bùi Thế Cường, Trịnh Phương Nga.