- Ông Thiệu tuyên bố, người nào ủng hộ một chính phủ liên minh là “người trung lập hóa thân Cộng” và không thể được phép sống thêm 5 phút.

Âm mưu chia cắt Đông Dương ở “vùng thắt eo”

Chương trình Việt Nam hóa bao gồm thành lập các lực lượng Sài Gòn với mục đích dùng người Việt giết người Việt hoặc người Đông dương khác, hoặc để “thay đổi màu da”. Điều này được tiến hành không đơn giản chỉ để cứu mạng sống của người Mỹ mà còn để tiết kiệm đồng đôla của nước Mỹ. Mỹ đã phải chi 38.000 USD cho một người Mỹ tham chiến một năm tại Việt Nam. Nhưng chỉ mất 400 USD/năm để thuê một lính lê dương người châu Á hoặc để hỗ trợ cho một binh sĩ người Sài Gòn.

Tiết kiệm cả tiền và tính mạng sẽ giúp thuyết phục được công chúng Mỹ rằng cuộc chiến này đang giảm dần và cần kiên nhẫn hơn với chính sách “rút chân” của chính quyền. Việc bắt ép thanh niên Việt Nam vào quân ngũ cũng được coi như biện pháp để từ chối tăng quân của Mặt trận giải phóng dân tộc (NLF).

{keywords}
Trong một thời gian ngắn, chính quyền Nixon đã tăng lực lượng bình thường của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) lên hơn 1,1 triệu người và các lực lượng địa phương lên hơn 4 triệu. Ảnh tư liệu

Chính vì các lý do này, trong một thời gian ngắn, chính quyền Nixon đã tăng lực lượng bình thường của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) lên hơn 1,1 triệu người và các lực lượng địa phương lên hơn 4 triệu. Các lực lượng quân sự địa phương này, được quân nhân Mỹ gọi là “những người phương Đông nhỏ bé”, là các lực lượng khu vực, các lực lượng dân sự, và các lực lượng dân quân tự vệ (PSDF).

Binh sĩ Sài Gòn buộc phải tỏa đi khoảng 300 chiến dịch càn quét ở miền Nam hàng ngày trong năm 1969 để tìm kẻ thù cho máy bay Mỹ bắn phá tiêu diệt. Các chiến dịch càn quét như vậy được gọi là “hòa bình hóa” nông thôn.

Kết quả là các cuộc biểu tình ngày càng lớn với sự tham gia của nhiều nhóm thuộc các tầng lớp xã hội và chính trị khác nhau bùng phát ở hầu hết các thành phố ở miền Nam, phản đối ép thanh nhiên nhập ngũ, kêu gọi chấm dứt mọi chiến dịch càn quét, và đòi “chấm dứt chiến tranh ngay lập tức”.

Điều này đã khiến ông Thiệu lo lắng đến mức ngày 15/7/1970, ông đã hạ lệnh tổng trấn áp toàn bộ các phong trào đòi hòa bình, cam kết “đánh đến chết” những người kêu gọi “hòa bình ngay lập tức”. Cùng ngày đó, Thiếu tướng Trần Văn Hai, đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, đã ra lệnh cho các chỉ huy cảnh sát sử dụng “các biện pháp mạnh, trong đó có cả lưỡi lê và đạn súng” để đập tan mọi cuộc biểu tình “bằng mọi giá”.

Bất chấp đe dọa, ngày 11/11/1970, hơn 1.000 đại diện từ nhiều tổ chức đã tập trung tại ký túc xá của Đại học Minh Mạng ở Sài Gòn để thành lập Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình, với mục đích “quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, nền tảng xã hội, chính trị hay tôn giáo, cùng nhau đem lại hòa bình cho đất nước”.

Được khuyến khích bởi môi trường chính trị tại các thành phố miền Nam, ngày 10/12/1970, Bộ trưởng Ngoại giao của PRG Nguyễn Thị Bình đã đề xuất ngừng bắn nếu Mỹ nhất trí rút quân đội trước ngày 30/6/1971 và chính quyền Sài gòn đã nhất trí thành lập một chính phủ lâm thời gồm 3 thành phần: RVN, PRG, và các đại diện của các nhóm không liên kết với bên nào.

Nhưng Nixon và Thiệu không muốn ngừng bắn và một giải pháp hòa bình dựa trên các thành phần chính trị trong một chính phủ liên minh vì lo sợ sau này họ có thể thua. Thay vào đó, họ muốn leo thang chiến tranh và tăng cường đàn áp với hy vọng tiêu diệt phe đối lập chính trị.

Ngày 8/2/1971, các lực lượng Sài Gòn tiến sang Lào, với sự hỗ trợ của Mỹ từ trên không, gồm nhiều máy bay và trực thăng vận chuyển lính nhảy dù và đặc công. 2.000 máy bay và trực thăng Mỹ, các đơn vị tốt nhất của Sài Gòn (lính nhảy dù, biệt kích, các đơn vị bọc thép và Sư đoàn Bộ binh số1) và các đơn vị bộ binh Mỹ – tổng cộng hơn 45.000 lính – đã tham gia mặt trận dọc đường 9, chạy gần Vĩ tuyến 17 từ bờ biển Nam Việt Nam đến sông Mekong.

Mục đích của cuộc xâm lược lớn này, như Nixon và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird giải thích, là để “bảo vệ chương trình Việt Nam hóa”. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày ra tuyên bố, phái bộ này sẽ “làm giảm khả năng tấn công của kẻ thù, và tăng cường năng lực tự vệ của miền Nam khi các lực lượng Mỹ rút khỏi miền Nam. Và, chiến dịch sẽ bảo vệ tính mạng của lính Mỹ.

Nhưng đại phái bộ này - với mục đích lớn nhất là chia cắt Đông Dương thành hai phần ở “vùng thắt eo” bằng việc chiếm đóng Nam Lào đến biên giới Thái Lan và sau đó thúc đẩy Đông tiến, chiếm đóng miền Bắc Việt Nam tại một điểm ở ngay phía Bắc Vĩ tuyến 17 - đã vấp phải sự phản đối của người dân Việt Nam ngay từ khi mới bắt đầu.

Những thông tin về chiến dịch bị rò rỉ ra ngoài. Theo hầu hết báo chí Sài Gòn, ngày 5/2/1971, ba tổ chức lớn ở miền Nam – là Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống, Phong trào nhân dân vì quyền tự quyết, và Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình – đã ra một tuyên bố chung tại Sài Gòn kịch liệt lên án ý định mở rộng cuộc chiến sang Lào. Tuyên bố nêu rõ: “Bằng việc điều binh sĩ miền Nam sang Lào, Mỹ đã có một bước đi nghiêm trọng khác trong học thuyết Nixon nhằm tìm cách dùng người Đông Dương tiêu diệt người Đông Dương”. Để chấm dứt cuộc thảm sát vô nghĩa này, các nhóm đề nghị tất cả các lự lượng quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi Đông Dương ngay lập tức và toàn bộ.

Cuộc xâm lược Lào cũng vấp phải sự phản đối trong giới chính phủ miền Nam. Chẳng hạn, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận đã viết trên Tin Sáng rằng hầu hết người Việt Nam tin rằng cuộc xâm lược này không nhằm mục đích quân sự và mọi người đều biết Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ Lào trên không và trên bộ trong một thời gian dài.

Ngày 15/2/1971, 14 tổ chức lớn ở Sài Gòn đã ra một thông cáo chung đòi Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Đông Dương và kết thúc mọi hành động trá hình nhằm mở rộng chiến tranh và ngăn cản tái lập hòa bình. Các biểu ngữ của các nhóm này đã thay đổi từ “Chống Mỹ cứu nước” và “Đuổi Mỹ cứu nước” thành “Diệt Mỹ cứu nước”. Nhiều từ báo Sài Gòn đã đưa tin hầu như hàng ngày về việc xe ô tô của quân đội Mỹ bị đốt cháy trên đường phố Sài Gòn.

Hy vọng phá phong trào thành thị ở miền Nam, Tổng thống Thiệu đã ban bố thiết quân luật vào ngày 19/5/1972. Cuộc đàn áp leo thang đến mức ngày 13/6/1972, tờ New York Post đưa tin rằng trong vài tuần kể từ khi thiết quân luật có hiệu lực, hơn 5.000 đã bị bắt giữ. Tờ báo còn nói rõ những người này bị gọi là tù nhân chính trị.

Tờ San Francisco Chronicle ngày 4/11/1972 đưa tin ông Thiệu tuyên bố, người nào ủng hộ một chính phủ liên minh là “người trung lập hóa thân Cộng” và không thể được phép sống thêm 5 phút.

Tờ Newsweek ngày 12/11/1972 cho biết hàng trăm người Nam Việt Nam đã bị bắt giữ “vì không làm theo đề nghị mang cờ miền Nam. Tờ báo này cũng dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng ông Thiệu “đã bắt giữ bất kỳ ai có một người họ hàng thứ ba thuộc phía bên kia”. Việt Tấn Xã(hãng thông tấn chính thức của chính quyền Thiệu) đưa tin trong tuần từ 8-15/11/1972, cảnh sát của ông Thiệu đã tiến hành 7.200 vụ đột kích vào các khu vực thành thị trong nỗ lực bắt những người “trung lập thân Cộng sản”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm tuyên bố ngày 26/2/1973, sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris, rằng số tù nhân chính trị trong các nhà tù ở miền Nam cao hơn con số 100.000 người.

Trong khi điều 8c của Hiệp định Hòa bình Paris nói rằng vấn đề trả tự do cho người Việt bị bắt giữ, hoặc các tù nhân chính trị, cần phải được giải quyết trong vòng 90 ngày kể từ khi ngừng bắn. Để thoái thác việc này, chế độ Thiệu tuyên bố rằng không có tù nhân chính trị nào trong các nhà tù ở Sài Gòn.

Ngày 8/3/1973, ông Thiệu được tờ Washington Post dẫn lời khẳng định “Không có tù nhân chính trị nào ở miền Nam Việt Nam – chỉ có những tội phạm người Cộng sản hoặc tội phạm khác”. Ông ta cũng đã nhắc lại lời khẳng định này trong một bài trả lời phỏng vấn trong một chương trình tin tức trên truyền hình Face the Nation ngày 8/4. Trong cuộc gặp Giáo hoàng cùng tuần đó, ông ta cũng vẫn khẳng định: “Không có tù nhân chính trị nào ở miền Nam Việt Nam. Chỉ có hai loại tù nhân – những người vi phạm pháp luật, khoảng 21.000 người – và những tội phạm Cộng sản, khoảng 6.000 người”.

Ngày 6/5/1973, chính quyền Sài Gòn đã bóp méo sự thật. Trong số người dân mà họ đã bắt giữ Quảng Trị được trả tự do có Lê Trung, 6 tuổi, và Lê Ngọc Sơn, 2 tuổi. Ba ngày sau đó, tại một hội nghị tham vấn giữa PRG và chính quyền RVN tại La Celle-Saint-Cloud, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Hiếu của PRG đã nêu ví dụ về hai trẻ em này để chứng minh hệ thống nhà tù tại miền Nam Việt Nam. Các đại diện của RVN tại hội nghị bẻ lại rằng PRG đã sử dụng Lê Trung và Lê Ngọc Sơn như “các phần tử khủng bố”.

Cưỡng đoạt quyền cư trú

Theo một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ, trước năm 1972, Nam Việt Nam có tổng cộng hơn 10 triệu người tị nạn trong một đất nước có khoảng 18 triệu người.

Hoàn cảnh của người tị nạn là mối quan tâm đặc biệt của các nhà đàm phán Việt Nam tại các cuộc hòa đàm, vì vậy, họ đã đấu tranh lâu dài và vất vả vì điều 3 và điều 11, cũng như điều 5 – vốn mở đường cho các quyền như vậy bằng việc kêu gọi dỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa “toàn bộ các vật thể bị hư hại, bãi mìn, bẫy, vật cản hoặc các vật nguy hiểm khác đã đặt trước đó, để không làm ảnh hưởng đến việc di chuyển và làm việc của người dân”.

Tuy nhiên, 5 ngày trước khi ký kết Hiệp định Hòa bình Paris, chính quyền Sài Gòn đã ra một loạt sắc lệnh, đăng trên tờ Tin Sáng ngày 22/1/1973 dọa bắt giữ và xử tử tại chỗ “những người xúi giục người dân… rời khỏi các vùng do chính phủ kiểm soát để đến những vùng do Cộng sản kiểm soát”.

Các nhà báo Mỹ đưa tin các sĩ quan chỉ huy của chính quyền Thiệu và chính quyền địa phương đã làm mọi cách để thực hiện các sắc lệnh trên. Theo một bài báo của Daniel Southerland trên tờ Christian Science Monitor ngày 29/1/1973, mọi người thậm chí “bị cấm làm việc ngoài đồng” tại chính ngôi làng của mình, do lo ngại họ có thể rơi vào sự kiểm soát của Cộng sản.

{keywords}
Nixon và Thiệu không muốn ngừng bắn và một giải pháp hòa bình dựa trên các thành phần chính trị trong một chính phủ liên minh vì lo sợ sau này họ có thể thua. Thay vào đó, họ muốn leo thang chiến tranh và tăng cường đàn áp với hy vọng tiêu diệt phe đối lập chính trị. Ảnh tư liệu.

Một báo cáo khác của Southerland vào giữa tháng 3/1973 viết rằng chế độ Sài Gòn đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn người tị nạn trở về mảnh đất của mình để trồng cấy và xây dựng lại nhà cửa đã bị phá hủy. Một trong các biện pháp đó là các cá nhân và cả gia đình bị buộc phải chụp ảnh dưới biểu ngữ chống PRG để khiến họ không thể trở về. Southerland viết: “Binh sĩ đánh chúng tôi nếu chúng tôi ra đồng. Nhưng nếu chúng tôi không được ra đồng, chúng tôi sẽ không có đủ ăn”. Ngay cả khi nếu những người tị nạn có thể trở lại cánh đồng của mình, thì cuộc sống của họ cũng sẽ gặp nguy hiểm bởi đạn pháo của ARVN. Theo Southerland, các lực lượng Sài Gòn đã tạo ra một thói quen bắn phá vùng nông thôn quanh các tiền đồn của họ, dù không có bằng chứng nào về các hoạt động của PRG”.

Frances FitzGerald cũng đưa tin về các điều kiện tương tự trên tờ New York Times. Bà viết: “Tại nhiều tỉnh, các quan chức đã tịch thu thẻ căn cước của những người này, buộc họ phải qua kiểm soát tại trạm cảnh sát hàng ngày – và dọa bắt hoặc đánh ai định đi khỏi nơi định cư từ thời chiến này”.

Tháng 11/1973, Thomas W.Lippman đưa tin về trại tị nạn Thanh Thủy ở tỉnh Quảng Nam, nơi hơn 2.200 người đã bị buộc phải chuyển đến cư trú. Họ muốn được về nhà, chỉ cách đó chừng 1km, nhưng chế độ Sài Gòn không cho họ làm như vậy”.

Ngoài việc tạo thêm những người tị nạn mới, chế độ Thiệu đã ép buộc người tị nạn di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác. Ngày 22/3/1973, tờ New York Times đăng một tiết lộ của chế độ RVN rằng họ đã bắt đầu di chuyển 100.000 trong số 660.000 người theo kế hoạch từ các tỉnh miền Trung đến các khu vực phía Bắc Sài Gòn.

Tháng 7, tài liệu này cho thấy hơn 160.000 người Việt Nam – tức là nhiều hơn khoảng 30.000 so với con số tổng những người tái định cư trong 6 tháng đầu năm 1972 – đã buộc phải tái định cư trong tháng này đến các khu vực đã được giao cho PRG nhiều năm.

Tất cả việc này được tiến hành theo hướng dẫn của chương trình “Cải thiện đời sống người tị nạn chống Cộng sản và phát triển vùng đất hoang” và “Chương trình xây dựng làng mạc”, một phần của Kế hoạch 4 năm bảo vệ cộng đồng  và phát triển địa phương (1972-75), đưa ra vào năm 1971 với sự hỗ trợ của các quan chức cấp cao Chiến dịch dân sự và hỗ trợ phát triển nông thôn của Mỹ.

Sự hỗ trợ người tị nạn của Mỹ cho năm 1973 chỉ dành cho 600.000 người và, trên giấy tờ là 14USD/người. Tham nhũng và hối lộ khiến cho người tị nạn cuối cùng chẳng nhận được gì. Theo nhật báo

Hòa Bình của Sài Gòn, gần 500.000 USD quỹ hỗ trợ dành cho một trại tị nạn ở tỉnh Bình Định đã không cánh mà bay vì hối lộ.

Tình trạng tham nhũng và hối lộ này diễn ra vao thời điểm thiếu gạo nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi và miền Trung đã càng làm gia tăng sự đói khổ của người tị nạn.

Tuy nhiên, bất chấp thực thế trên, giới chức Mỹ ở Việt Nam vẫn luôn nhắc đến việc tái định cư người tị nạn như một bằng chứng cho sự thành công của chương trình hỗ trợ Mỹ tại Nam Việt Nam khi họ muốn tăng thêm viện trợ cho chế độ của Thiệu. Tuy nhiên, báo chí và chính khách ở Sài Gòn vẫn thường nói rằng hầu hết số tiền dành cho người tị nạn đã bị các quan chức lấy cắp, rằng người tị nạn không bao giờ nhận được những gì mà họ lẽ ra được nhận, và hầu hết trong số họ đã không được tái định cư. Nhật báo Chính luận, tờ báo bảo thủ của Sài Gòn, tháng 7/1974 cho biết ít nhất 550.000 người tị nạn vẫn phải sống trong các trại do bị đánh cắp tiền và đất.

Bên cạnh đàn áp người tị nạn và các nhóm người theo phong trào phản chiến ở thành thị, chế độ Thiệu còn tiến hành những cuộc tấn công chưa từng thấy ở khu vực miền Nam thuộc sự kiểm soát của PRG, một phần vì cả DRV và PRG đều muốn “tạo cơ hội cho hòa bình”, tức là đối thoại, và không muốn tái diễn chiến tranh quân sự. DRV và PRG tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhóm Lực lượng thứ ba trong việc đem lại hòa giải và thành lập “một chính phủ đồng thuận dân tộc”, như thỏa thuận trong Hiệp định Hòa bình Paris.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Jean Lacoutoure năm 1974: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc tại miền Nam là chìa khóa cho hòa bình, và lực lượng thứ ba là một phần không thể thiếu trong giải pháp này. Vì chính trị là nghệ thuật của điều có thể, chúng ta phải kết luận rằng mô hình này là cách duy nhất dẫn tới hòa bình. Tôi muốn nói rằng đây là một giải pháp trời định. Không có giải pháp nào khác, chỉ có chiến tranh”.

Ngô Vĩnh Long

Kỳ 3: Sự đầu hàng vô điều kiện đã đặt dấu chấm hết

Kỳ 1: Sau ngày 27/1/1973 và chính sách 4 không của ông Thiệu

--------------------

Chú thích: 

RVN = Republic of Vietnam = Chính quyền Saigon.

PRG = Provisional Revolutionary Government (of South Vietnam) = Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam.

DRV = Democratic Republic of Vietnam = Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Sau ngày 27/1/1973 và chính sách 4 không của ông Thiệu

Sau ngày 27/1/1973 và chính sách 4 không của ông Thiệu

Được khuyến khích bởi cả Kissinger và Nixon, Tổng thống Thiệu đã tái khẳng định chính sách “4 không” ngay khi Hiệp định Paris được ký.

“Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”

“Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”

Nhìn lại cuộc đàm phán lịch sử 45 năm trước có thể thấy “Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”.  

45 năm Hội đàm Paris: Từ tầm nhìn De Gaulle tới các kênh ngầm

45 năm Hội đàm Paris: Từ tầm nhìn De Gaulle tới các kênh ngầm

Các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc nằm lòng những nguyên tắc vàng trong việc lựa chọn địa điểm đàm phán.