Việc quản lý và sử dụng vốn vay tốt, đã góp phần vào công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình hội viên, đặc biệt là hội viên khuyết tật vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Lê Xuân Đại ở thôn Cẩm Vinh, xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 3 người bị khiếm thị, là anh và 2 người con. Bằng ý chí, nghị lực anh đã vượt lên khó khăn để ổn định cuộc sống.

Hồi năm 2018, anh Đại vay 20 triệu đồng của huyện hội để phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vay của anh em, bạn bè, anh đã mua bò sinh sản và trồng 1 ha thuốc lào. Bình quân mỗi năm cho doanh thu trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho gần 10 lao động.

Anh Đại chia sẻ, với 20 triệu đồng từ vốn vay của huyện hội, gia đình vẫn quay vòng để phát triển sản xuất. Hiện kinh tế cũng đã khá hơn rất nhiều và gia đình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập...

Xóa nghèo nhờ tăm tre, chổi đót

{keywords}
Được học nghề, được vay vốn, cuộc sống của người khiếm thị bớt vất vả. Ảnh minh họa.

Nghề tẩm quất cổ truyền và sản xuất tăm tre là 2 nghề chính của các hội viên Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Hiện hội có 258 hội viên có việc làm thường xuyên với mức lương bình quân 2,95 triệu đồng/người/tháng, riêng lao động tẩm quất đạt gần 4 triệu đồng. Tỉnh hội đang quản lý vốn vay là 2,41 tỷ đồng (kênh Hội Người mù Việt Nam). Từ vốn vay này đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên người mù phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Năm ngoái, doanh thu của Hội Người mù huyện Hoằng Hóa đạt 1 tỷ 230 triệu đồng.

Ông Lê Đăng Đồng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hoằng Hóa, cho biết: Hội thường xuyên bố trí cho 18 hội viên người mù có việc làm ổn định 12 tháng/năm, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng; riêng nghề tẩm quất có thu nhập 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, huyện hội đang quản lý 253 triệu đồng kênh Trung ương hội. Ngoài vốn vay do hội đứng ra làm đầu mối, các hội viên trên địa bàn đã chủ động vay vốn từ các tổ chức đoàn thể địa phương. Từ các nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã sử dụng có hiệu quả để chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn, nuôi dê, mở cửa hàng buôn bán nhỏ...

Cũng theo ông Đồng, giải quyết việc làm cho hội viên là mục tiêu hết sức ý nghĩa. Hơn hai năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã dạy chữ, dạy nghề cho 1.100 hội viên với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Thông qua lao động – việc làm vừa giúp người mù có thu nhập vừa giúp xóa bỏ mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên công tác dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho người mù không đơn giản, vì gặp khó ngay từ khâu ban đầu khi người mù tiếp cận với công việc.

“Giàu 2 con mắt” nên với người khiếm thị, phải thường xuyên “cầm tay chỉ việc”, không chỉ một mà nhiều lần mới mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, chăm lo đời sống cho người mù thông qua tạo việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã và đang được Đảng, Nhà nước và các cấp hội quan tâm, để người khiếm thị khẳng định bản thân: Tàn nhưng không phế.

Ngọc Dũng
Ảnh: Kiên Trung