Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT, cho biết theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây song vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Theo ông Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, còn có một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự lỏng lẻo trong quản lý của gia đình, người lớn tuổi và nhà trường.

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2022 của 59 Sở GD&ĐT, hiện chỉ có gần 2.200 bể bơi trong các trường học, tương đương tỷ lệ trường học có bể bơi là 8,63%. Việc đầu tư, đưa vào sử dụng bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học, chưa kể nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành.

Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế.

W-tap-boi.png

Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025. 

Tại hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 31/10, nhiều đề xuất, góp ý giải pháp được nêu ra. Bên cạnh việc cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức, công tác xã hội hoá, các đại biểu đề xuất nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy bơi, đẩy mạnh công tác truyền thông và phối hợp liên ngành…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhận định dạy bơi an toàn và phòng chống đuối nước trong trường học là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để thực hiện được công tác này, trách nhiệm không chỉ ở Bộ GD&ĐT mà cần có sự phối kết hợp với các bộ, ban, ngành và toàn xã hội. 

Bà Minh cho rằng công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để công tác dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em và học sinh.

Tại Việt Nam, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ tại cộng đồng được triển khai từ 2018 bằng cách dạy bơi tại một số tỉnh có nguy cơ như Đồng Tháp, An Giang, Đà Nẵng... Với hơn 30.000 trẻ đã được dạy bơi an toàn, tỷ lệ biết bơi của trẻ em tại địa bàn can thiệp đã tăng gấp 2 lần, tỷ lệ đuối nước ở trẻ giảm 30%.

Giai đoạn 2023-2025, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác và dạy bơi cho hơn 25.000 trẻ em 6-15 tuổi, đồng thời dạy kỹ năng an toàn cho 50.000 trẻ. Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 50% trẻ 6-15 tuổi biết bơi; từ nay đến 2025 sẽ có 60% trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Chương trình là kiểm soát, giảm thiểu tai nạn, thương tích của trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. 

Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030. 

60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030.

50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Việt Dũng và nhóm PV, BTV