Ông Đỗ Minh Phú, người vừa được bầu vào Hội đồng quản trị và giữ chức chủ tịch Ngân hàng TPCP Tiên Phong - TPBank (TPB) nhiệm kỳ mới 2018-2023 vừa từ chức chủ tịch một loạt các doanh nghiệp.
Thông tin từ Ngân hàng TPCP Tiên Phong - TPBank (TPB) cho biết, ông Đỗ Minh Phú đã thôi làm chủ tịch của Tập đoàn VBĐQ DOJI và 5 doanh nghiệp khác, bao gồm VBĐQ SJC Hà Nội, VBĐQ SJC Đà Nẵng, Đá quý và Vàng Yên Bái, Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ và TNHH Đầu tư BĐS DOJILand.
Như vậy, ông Đỗ Minh Phú đã chính thức từ bỏ vị trí lãnh đạo cao nhất tại các doanh nghiệp làm nên tên tuổi của ông trong hàng chục năm qua.
Hiện ông Phú chỉ là chủ tịch của TPBank và một số chức danh ở các tổ chức phi doanh nghiệp khác như Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ Hiệp hội đá quý quốc tế tại Việt Nam.
Quyết định từ nhiệm của ông Đỗ Minh Phú là để tuân thủ theo quy định của Luật TCTD sửa đổi, có hiệu lực từ 15/1/2018, quy định chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác, có nghĩa là sếp ngân hàng sẽ phải lựa chọn hoặc là doanh nghiệp, hoặc ngân hàng.
Ông Phú thành công từ kinh doanh vàng và hàng tiêu dùng phục vụ phụ nữ và trẻ em (Diana). Sau khi bán Diana, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú dồn sức vào lĩnh vực ngân hàng, mua 20% cổ phần TPBank. Ông Phú làm chủ tịch TPBank từ 2012.
Trước đó, hàng loạt các đại gia cũng đã bỏ những đế chế làm nên thương hiệu của họ để tập trung vào lĩnh vực ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh tạm biệt Masan, chọn làm Chủ tịch HĐQT của Techcomban. Bà Thái Hương từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của Ngân hàng Bắc Á. Trong khi đó, ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HDDQT của Sacombank thay vì Chủ tịch của Him Lam.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nhân chọn doanh nghiệp thay vì đứng đầu các ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Nga rời "ghế” Chủ tịch SeABank sau 11 năm ngồi “ghế nóng” SeABank trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04.
Trước đó, bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng) và ông Vũ Văn Tiền cũng đã không chọn vị trí người đứng đầu ngân hàng, KienLongBank và ABBank mà chọn làm người đứng đầu doanh nghiệp.
Gần đây, nhiều ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 đã hồi phục. Một số cổ phiếu ngân hàng có giá dưới 10.000 đồng/cp, đã tăng mạnh trong năm 2017 và quý 1/2018. TPBank lên sàn Chứng khoán TP.HCM với mã TPB từ 19/4 với mức giá tham chiều 32.000 đồng/cp. Hiện TPB có giá 29.500 đồng/cp.
Gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) chịu áp lực điều chỉnh giảm rất lớn. Hàng loạt cổ phiếu trụ cột trên sàn đều giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch 17/5, cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank giảm mạnh 5,2% xuống còn 45.800 đồng/cp, từ mức 70.000 đồng/cp hồi giữa tháng 4 và là quả đắng đối với nhiều nhà đầu tư. Quỹ đầu tư Passion Investment (PIF) đã đánh mất toàn bộ thành quả chỉ sau 1 tháng do đặt cược nhầm vào cổ phiếu này.
VPBank giảm mạnh được cho là do một phần chịu tác động của xu hướng giảm chung trên thị trường, một phần do giới đầu tư lo ngại nợ xấu của ngân hàng này sẽ gia tăng mạnh, cùng với nỗi lo “con gà đẻ trứng vàng” đơn vị cho vay tiêu dùng FE Credit của VPBank sẽ bị thanh tra sau loạt lùm xùm đến cho vay nợ lãi cao, đòi nợ sai quy trình,... Gần đây, nhiều CTCK cắt margin với cổ phiếu VPB càng khiến tình hình trở nên xấu hơn.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm khá mạnh.
TTCK còn chứng kiến nhiều cổ phiếu trụ cột giảm như Vingroup (VIC), Masan (MS), Sabeco (SAB), GAS, VietJet (VJC),...
Các cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, hàng không, bất động sản,... gần đây cũng giảm điểm.
Thông tin mới nhất cho thấy, phiên đấu giá quyền mua cổ phiếu Vietnam Airlines ế nặng. Bộ GTVT đưa hơn 371 triệu quyền mua ra bán đấu giá với giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua. Tuy nhiên, hết thời gian, chỉ 10 cá nhân đăng ký mua vỏn vẹn 272.000 quyền mua. Không có tổ chức nào đăng ký tham gia.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK hiện tại đang khó lường sau khi VN-Index xuyên phá 2 ngưỡng hỗ trợ quan trọng phía dưới, qua đó đẩy tín hiệu ngắn hạn của VN-Index xuống tiêu cực vùng kháng cự trong khoảng 1.050-1.055 điểm (MA5-10). Mặc dù vậy, tín hiệu theo phân tích kỹ thuật có thể không diễn biến quá xấu bởi thị trường đang được nâng đỡ bởi cổ phiếu mới lên sàn Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE chiếm khoảng 23% vốn hóa Sở GDCK TP.HCM và có tác động rất lớn đến điểm số của VN-Index. VHM dù chỉ là một cổ phiếu của doanh nghiệp phái sinh (spinoff) nhưng lên sàn khiến Vinamilk tụt xuống vị trí thứ 3.
BSC nhận định biến động thị trường đang khó lường, việc các mã trụ đang có xu hướng giảm điểm trung hạn và việc nhà đầu tư bắt đáy nhiều tại vùng giá cao sẽ tiếp tục tạo áp lực bán trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch 17/5, VN-Index giảm 23,98 điểm xuống 1.030,64 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm lên 121,5 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 55,97 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Tham vọng lớn, đại gia Nguyễn Đức Tài, Dương Ngọc Minh 'sụt hố'
Tham vọng của các đại gia Việt lớn hơn bao giờ hết khi mà thị trường chứng khoán bùng nổ, khả năng huy động vốn trong và ngoài nước dễ dàng. Tuy nhiên, tham vọng lớn có nguy cơ khiến các cổ đông mất tiền.
Đại gia quyết chơi đến cùng: Nhà sẵn tiền, mất ngàn tỷ không 'rơi lệ'
Lỗ ngay ngàn tỷ trong thương vụ vừa chưa ráo tay, ông trùm ngành nhựa tiếp tục vung tiền để củng cố vị trí số 1 tại Việt Nam.
Mua giá cực đắt, bất chấp lỗ ngàn tỷ: Âm mưu đại gia
Các tỷ phú người Thái chấp nhận mua cổ phiếu Việt giá cao, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn. Họ thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam bằng mọi giá và đang dấn sâu vào nền kinh tế Việt.
Tín hiệu xấu với tỷ phú Trần Đình Long và đại gia Lê Phước Vũ
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chứng kiến lợi nhuận kỷ lục, lọt danh sách tỷ phú USD thế giới, vượt qua đại gia Lê Phước Vũ,... nhưng hiện phải đối mặt với những tín hiệu không mấy tốt lành.