Dự án đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến khu di tích chiến thắng Xuân Bồ kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng do UBND huyện Lệ Thuỷ làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2019-2020, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018.
Sau khi hoàn thành, con đường này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đảm bảo nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, giải quyết tình trạng ách tắc trong mùa lũ và cứu hộ. Tuyến đường cũng kết nối các điểm du lịch trong vùng.
Sau 1 năm thi công, từ năm 2020 đến nay, dự án trên đã bị bỏ hoang khiến nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp, vật liệu xây dựng tập kết bừa bãi gây thất thoát và lãng phí.
Theo Ban quản lý dự án huyện Lệ Thủy, dự án trên có chiều dài gần 4km, do liên danh Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH XD Minh Tiến, Công ty CP Xây dựng 16 và Công ty TNHH thương mại Xây dựng vận tải Tùng Lâm thi công. Đến nay, khối lượng thực hiện của các nhà thầu đạt 49,5% theo hợp đồng đã ký kết.
Quan sát tại hiện trường cho thấy, các nhà thầu mới chỉ hoàn thành phần nền đường, hai bên tập kết vật liệu xây dựng. Một số hạng mục trải qua nhiều năm dang dở đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
Tại hạng mục cầu làm cắt qua mặt đường, hằng ngày người dân qua lại rất nhiều, việc làm mố cầu dẫn đến phải nắn đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, các thanh sắt ở đây cũng bắt đầu hoen gỉ.
Ông Võ Văn S. (53 tuổi, một người dân ở xã Dương Thủy) cho biết: “Khoảng cuối năm ngoái, có một người đàn ông khi chạy xe máy từ xã Dương Thủy đến xã Tân Thủy đã tông vào mố cầu sát đường, tử vong tại chỗ, sau đó mố cầu
mới được rào chắn bằng lưới B40 như bây giờ”.
Dang dở vì bị cắt vốn
Năm 2019, công trình đã được tỉnh bố trí số vốn 80 tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018. Tiếp đó, ngày 22/1/2020, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản về việc kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2018 sang 2020.
Theo Ban quản lý dự án huyện Lệ Thủy, hiện dự án đã bị cắt vốn trung hạn nên tạm thời ngừng thi công, nguyên nhân chính là do quá trình làm hồ sơ dự án, lựa chọn nhà thầu cũng như thi công gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc chậm tiến độ.
Cụ thể, đây là công trình thuộc nhóm B nên quy trình thủ tục phê duyệt phải thực hiện 2 bước, do đó thời gian để phê duyệt và lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công bị kéo dài.
Mặt khác, dự án không nằm trong quy hoạch chung đô thị Kiến Giang đến năm 2035 đã được phê duyệt và điểm đấu nối đầu tuyến với Quốc lộ 1A chưa có trong quy hoạch điểm đấu nối nên phải tiến hành thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt bổ sung. Vậy nên thời gian chậm hơn so với kế hoạch.
Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân nhưng ngày 19/9/2022, Bộ Kế hoạch Đầu tư có công văn trả lời, hiện Quốc hội đã phê chuẩn kết quả quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Để đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu của dự án, đề nghị tỉnh Quảng Bình chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án.
Theo một nhà thầu thi công, trong trường hợp không được cấp vốn bổ sung điều chỉnh, dự án sẽ không phát huy được hiệu quả và mục tiêu đề ra. Những khối lượng công việc đã thi công dang dở có nguy cơ hư hỏng, gây lãng phí lớn.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thông tin, hiện huyện đang phối hợp với tỉnh tìm nguồn vốn để tiếp tục làm, sớm hoàn thành dự án.