Chiều 29/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức”.

Thời điểm “chín muồi” để triển khai 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, căn cứ vào dự báo nhu cầu vận tải, thời điểm này thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải. 

“Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000km phải là phương thức vận tải đường sắt.

Ngoài ra, ở thời điểm này, quy mô nền kinh tế của nước ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023) trong khi đó điều kiện nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi cũng đã kiến giải vì sao lựa chọn tốc độ 350 km/giờ, công năng chở hành khách”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

base64 1730190796727724992661.png
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Dưới góc độ phát triển kinh tế xã hội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đầy đủ cơ sở để triển khai.

Ông Phương cho biết thêm, trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Dự án có dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD, đây mới là con số khái toán tiền khả thi. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. 

“Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phân tích sâu hơn, công trình này có tác động trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực: xây dựng, công nghiệp phụ trợ phục vụ công trình như cung cấp vật liệu (cát, đá sỏi, sắt thép…), dịch vụ cung cấp cho công trình như tài chính, phát triển đô thị, khai thác sau này khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch, tạo công ăn việc làm… Ngoài ra, sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải”, ông Phương đánh giá. 

Ở giai đoạn 2, sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.

Tương tự, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án cả về điều kiện, năng lực. 

Mấu chốt quan trọng của dự án này theo ông Hiếu là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5 và thông qua đó, tối ưu hóa các phương thức vận tải. Như vậy sẽ góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải cũng như thời gian và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các chủ thể, từ hành khách đến vận tải hàng hóa.

Vì sao tuyến đường sắt đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng?

Một câu hỏi cũng được đặt ra tại tọa đàm: Vì sao Bộ GTVT lại đưa ra đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, vận tải hàng hóa khi cần thiết?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, khi đưa ra đề xuất về công năng của tuyến đường sắt, Bộ đã nghiên cứu lợi thế của từng phương thức. 

w tau cao toc11 1 1414.jpg
Đường sắt tốc độ cao tại Lào. Ảnh: Hoàng Hà 

“Chúng tôi cũng dự báo nhu cầu vận tải và khi tính toán dự báo đến năm 2050, nhu cầu vận tải của chúng ta trên hành lang Bắc - Nam khoảng 18,2 triệu tấn và khoảng hơn 100 triệu lượt khách. 

Khi chúng ta đầu tư thì phải đáp ứng cả hai yêu cầu này, bao gồm vận tải hơn 18 triệu tấn hàng hóa và hơn 100 triệu khách. Cho nên chúng tôi đã quyết định lựa chọn phương án: Trục đường sắt hiện hữu sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, chuyển nhu cầu vận tải hành khách sang đường sắt tốc độ cao và giải phóng toàn bộ năng lực đường sắt hiện hữu”, ông Huy lý giải.