Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD. Trong đó, chi phí GPMB 1,978 tỷ USD, xây dựng và thiết bị 46,583 tỷ USD, quản lý tư vấn và chi phí khác 5,819 tỷ USD.

Dự phòng phí khoảng 4,071 tỷ USD, lãi vay và phí trong thời gian xây dựng 0,258 tỷ USD.

Dự án phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến 24,7 tỷ USD, dự kiến hoàn thành 2030-2032. Giai đoạn này chuẩn bị đầu tư và tổ chức xây dựng 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Cùng với quá trình xây dựng sẽ tổ chức chuẩn bị nguồn nhân lực... khai thác vào năm 2032.

Giai đoạn 2 dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 34 tỷ USD (từ 2032 - 2050) sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.

{keywords}
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng chạy với tốc độ 350 km/h

Đối tác công tư

Bộ GTVT cho hay, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới cho thấy, nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu vẫn là vốn đầu tư công.

Do vậy, Bộ đề xuất nên đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng (chiếm 80% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư tư nhân mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị (20% tổng mức đầu tư). Nhà đầu tư chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng cho nhà nước.

Đánh giá tác động dự án tới nền kinh tế, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án phân tích các trường hợp nguồn vốn 100% trong nước hoặc 100% vốn đi vay.

Với trường hợp 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hàng năm trong giai đoạn đầu tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 là 0,55% GDP.

Với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả 2 giai đoạn đầu tư.

Phương án Bộ GTVT nên làm

Theo GS Đặng Đình Đào, chuyên gia Logistics - giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân, thay vì đầu tư trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, Bộ GTVT nên tính toán đầu tư cùng lúc toàn tuyến với tốc độ tàu chạy từ 150-200 km/h kết hợp cả chạy khách và tàu hàng.

Thay vì làm mới đường sắt đôi, Bộ nên trình phương án làm mới một bên, bên còn lại sẽ nâng cấp đường sắt cũ lên tốc độ cao tương ứng như đường sắt mới 150-200 km/h.

Ông cũng nói rõ, thay vì đầu tư 2 đoạn tuyến có lưu lượng vận chuyển cao thì đầu tư toàn tuyến đường sắt sẽ phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việc này không chỉ giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ mà còn thúc đẩy được phát triển kinh tế vùng miền với hành lang kinh tế miền Trung nhiều tiềm năng phát triển.

Theo GS Đào, đáng ra chúng ta phải tập trung nguồn lực đầu tư cho đường sắt tốc độ cao nhưng thực tế lại đầu tư dàn trải các tuyến đường theo trục Bắc - Nam. Hiện nay ngoài QL1, đường Hồ Chí Minh, giờ lại làm cao tốc ven biển và cao tốc Bắc - Nam nữa nên nguồn lực đầu tư bị phân tán.

Do khó khăn về vốn nên Bộ GTVT đưa khung triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ 2030-2050 mới hoàn thành là quá dài. Vì thế, nhà nước nên nghiên cứu bố trí nguồn lực để đầu tư sớm hơn.

“Đường sắt phải được quan tâm tập trung nguồn lực để đầu tư sớm hơn để đỡ gánh nặng đường bộ, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận chuyển”, GS Đào cho biết.

Lo đội vốn

GS Đào đánh giá, tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD là rất cao nếu so sánh với các nước. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, đánh giá lại để đưa ra mức đầu tư hợp lý hơn.

“Với hơn 1.500km đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, chúng ta dự kiến đầu tư hơn 58 tỷ USD, nhưng gần 2.000km đường sắt khổ đôi 1.435mm lên Tây Tạng, Trung Quốc cũng chỉ đầu tư khoảng 42 tỷ USD. Trong khi họ làm mới hoàn toàn và đường đi xuyên núi rất lớn”, ông Đào so sánh.

Ông cũng bày tỏ lo ngại, với mức đầu tư hơn 58 tỷ USD cho toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhiều khả năng đây chưa phải là mức cuối cùng. Bởi không ai dám chắc dự án không chậm tiến độ.

“Nếu dự án chậm tiến độ thì tổng mức đầu tư không dừng ở con số hơn 58 tỷ USD mà chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Lúc đó tiền đầu tư cho dự án sẽ trở thành bài toán nan giải và không ngân sách nào gánh được. Bài học từ các dự án đường sắt độ thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội... là thực tế”, ông Đào nói.

Mời quý vị độc giả VietNamNet góp ý nên “Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo phương án nào?”. Bài viết gửi về địa chỉ: banxahoi@vietnamnet.vn

 

Làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 60 tỷ USD, bỏ đường sắt cũ?

Làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 60 tỷ USD, bỏ đường sắt cũ?

Nếu kết hợp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cả chở khách và chở hàng thì tốc độ tàu hàng chỉ đạt 130 km/h. Đầu tư lớn nhưng khai thác với tốc độ thấp sẽ không hiệu quả.

Gia Văn