Chia sẻ về chính sách tài khóa mà ngành tài chính đã triển khai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, không phải đến thời điểm hiện nay, Quốc hội, Chính phủ mới có những quyết sách giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, mà trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt được triển khai.
Trong năm 2023, để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế; đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với số tiền xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ (như áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) đang áp mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính ban hành thông tư 44 giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí kể từ 1/7 đến hết 31/12/2023. Trong hướng dẫn giảm mức thu của 36 khoản phí, lệ phí, có 21 khoản phí, lệ phí được giảm tới 50% mức thu so với hiện nay, đơn cử lệ phí cấp căn cước công dân. Theo đánh giá tác động, việc áp dụng thông tư số 44 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.
Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế lớn như những năm gần đây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc duy trì một chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đảm bảo sự thành công vì nó mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.