Một khách hàng khác cho rằng "tin hạ lãi suất hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19 của ngân hàng giờ này chỉ toàn thấy trên tivi với trên giấy.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, anh Phạm Đức (TPHCM) cho biết vài tháng nay do dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên thu nhập của anh chỉ còn 70% so với thời điểm trước. Vợ anh Đức đang trong thời gian nghỉ thai sản nên toàn bộ tiền trả nợ ngân hàng dồn vào đồng lương của anh. Anh Đức đang vay số tiền 3 tỉ đồng cho mảnh đất ở Lâm Hà (Lâm Đồng) với lãi suất 10,5% cố định trong năm đầu tiên.
“Mỗi tháng tôi phải đóng 42 triệu đồng trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Số tiền chi tiêu cho sinh hoạt gia đình rất khó khăn”, anh Đức nói.
Anh Lê Xuân Hải (TPHCM) cho biết: “Từ khi giãn cách xã hội, tôi làm việc ở nhà chỉ được hưởng 70% lương, thu nhập giảm nhưng chi tiêu lại tăng lên. Giá thực phẩm tại TPHCM tăng hơn so với thời điểm trước dịch, rất khó khăn”. Với khoản vay 1,5 tỉ đồng, lãi suất 10,5%/năm như hiện tại nếu không có thêm thu nhập từ việc đầu tư chứng khoán và có lãi, thì anh Hải không biết phải xoay xở ra sao mới đủ tiền trả nợ ngân hàng.
Quá chán nản với những thông báo giảm lãi suất của ngân hàng trong bối cảnh thu nhập sụt giảm, tiền nợ vẫn trả đều hàng tháng chẳng được giảm 1 xu. Anh Đức nói: “Tôi thấy việc giảm lãi suất của ngân hàng nếu chỉ làm đối phó, áp dụng cứng nhắc thì sẽ có không ít người bị phá sản. Chính quyền địa phương không lắng nghe, ngân hàng không lắng nghe. Bây giờ mỗi khi xem tivi hay đọc báo thấy bảo có gói hỗ trợ người dân thì nhiều người có tâm lý chán nản vì biết chẳng được nhận hỗ trợ. Toàn thấy ngân hàng hỗ trợ trên giấy và tivi”.
Bàn về giải pháp, anh Đức cho rằng “Nếu việc hạ lãi suất với ngân hàng khó thì nên hỗ trợ bằng cách chỉ thu tiền lãi, chưa thu gốc. Người lao động nếu chỉ đóng 5-7 triệu đồng/tháng thì họ vẫn cố gắng tìm cách xoay sở trả nợ. Khi đó, ngân hàng không mất phần lãi suất, mà khách hàng vẫn có thể tồn tại. Nếu giờ ngân hàng không hỗ trợ, chẳng lẽ ngân hàng đang muốn khách hàng phá sản để siết nợ tài sản? Hãy để khách hàng có con đường tồn tại để đồng hành với ngân hàng”.
Ngân hàng nói gì?
Trao đổi với PV báo Lao Động, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Việc miễn, giảm lãi suất hay cơ cấu nợ phụ thuộc vào nguồn trả nợ của khách hàng. Nếu nguồn trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn… thì ngân hàng có thể xem xét cơ cấu nợ. Trong đó có giải pháp tạm thời chưa trả gốc hoặc lãi hoặc thậm chí chưa trả cả gốc lẫn lãi trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên việc này không thể áp dụng cho tất cả các đối tượng, còn tuỳ thuộc vào thu nhập của khách hàng đến từ nguồn nào. Khách hàng nào cũng đòi cơ cấu trong khi vẫn có thu nhập ổn định thì không được. Khách hàng cần có chứng từ chứng minh thể hiện thu nhập bị ảnh hưởng do dịch COVID-19”.
Vị giám đốc này chia sẻ: “Thực ra mức giảm 0,5%-1%/năm đối với khoản lãi suất vay mua nhà cũng chẳng bỏ bèn gì. Lãi suất vay mua nhà thường cao, nhưng đây là khoản vay dài hạn 20-30 năm, trong khi huy động tiền gửi tiết kiệm huy động trung và dài hạn không hề giảm. Chính ra khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động, vòng quay chỉ 3-6 tháng nên lúc đấy, mức tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn huy động giảm là vừa”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết: “Tôi đề nghị NHNN giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn tiến độ trả lãi, giãn tiến độ trả nợ, không chuyển nhóm nợ xấu và áp dụng cho các khoản vay từ ngày 20.1.2020 đến 30.6.2022”.
Trước đó, HOREA kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp tình, hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các bên.
Ngoài chính sách lãi suất, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021.
(Theo Lao Động)
Khốn đốn vì vay tiền mua nhà thời Covid-19
Nhiều người vay ngân hàng mua nhà trả góp đang gặp khó khăn do không có thu nhập, hoặc thu nhập bị giảm do dịch bệnh.