Thu nhập sụt giảm, rỉ tai lách luật

Trong 3 tuần qua, thực hiện lệnh cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, toàn bộ taxi, xe công nghệ và nhiều loại phương tiện vận tải hành khách khác buộc phải ngừng hoạt động. Đối với những lái xe thuê, nghỉ làm đồng nghĩa với việc gần như không có lương. Còn đối với các tài xế taxi công nghệ phải vay tiền ngân hàng để mua xe, áp lực tiền bạc đè lên đôi vai tăng gấp bội.

Anh Nguyễn Thành Trung (34 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây 1 năm, anh quyết định mua chiếc Hyundai Accent với giá hơn 550 triệu đồng để chạy Grab, trong đó vay ngân hàng khoảng 400 triệu với thời hạn trong vòng 3 năm. Mỗi tháng anh Trung đều phải nộp vào ngân hàng 12 triệu đồng.

{keywords}
Ế khách mùa dịch, tài xế taxi mong ngân hàng giảm lãi

“Tôi là người khá chăm chỉ, mỗi ngày chạy dịch vụ khoảng 10-12 tiếng, nếu trừ mọi chi phí thì mỗi tháng cũng thu nhập 25-30 triệu. Trừ 12 triệu đóng vào ngân hàng, tôi vẫn bỏ ra được hơn 13 - 18 triệu để nuôi gia đình và tích luỹ. Thế nhưng từ 1/4 thực hiện cách ly xã hội, xe của tôi phải nằm im ở bãi 3 tuần, coi như không có thu nhập”, anh Trung chia sẻ.

Anh Trung cho biết thêm, vợ anh làm nghề giáo viên mầm non cho một trường tư thục, cũng phải nghỉ từ sau Tết Nguyên đán đến nay và không có thu nhập. Trong thời gian dừng chạy xe, vợ chồng anh Trung cùng hai đứa con chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi chi tiêu trong gia đình buộc phải “xén” từ khoản tiết kiệm ít ỏi trước đó.

“Rất may, tôi đã được trở lại với công việc sau khi Chính phủ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Nếu phải nghỉ dài hơn, chắc tôi phải tính nước bán xe để sống”, anh Trung nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự anh Trung, anh Hoàng Văn Mạnh (38 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Bán xe nói thì dễ nhưng trong thời điểm này khó vô cùng, còn ràng buộc hợp đồng với hãng xe và ngân hàng nữa. Chưa kể, giá xe ngày càng giảm, bán xe thì chắc chắn lỗ đến cả trăm triệu, rồi hết dịch thì lấy gì kiếm sống?”.

Có thể nói, những trường hợp lái xe đang trong hoàn cảnh kiệt quệ về tài chính như anh Trung, anh Mạnh là khá phổ biến. Thậm chí, nhiều tài xế từ các tỉnh lên thành phố làm việc còn gánh thêm áp lực trả tiền thuê nhà, hàng tháng phải trợ cấp cho gia đình ở quê, nuôi con nhỏ,…

Bất đắc dĩ, trong hơn 3 tuần cách ly xã hội vừa qua , các tài xế “rỉ tai” nhau cách lách luật.

Anh Đỗ Huy Nam (27 tuổi, quê Thanh Hoá) đang là tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội. Ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, dự liệu được sự khó khăn của công việc do dịch bệnh, anh đã chủ động lưu số điện thoại cùng thông tin cơ bản của hầu hết khách hàng mà anh đã từng chở và cố gắng tương tác với khách hàng bằng tin nhắn hay zalo như một cách “PR” cá nhân.

Chính nhờ sự chịu khó và có phần tỉ mỉ này, anh Nam cho biết thi thoảng cũng được các khách hàng quen gọi trực tiếp để đặt xe. “Từ 1/4 tới nay thực sự rất khó khăn khi ứng dụng bị khoá, nhưng mỗi ngày tôi cũng có 2-3 cuốc khách quen, gọi là tạm đủ tiền ăn”.

Việc cố tình chạy “chui”, thậm chí sẵn sàng chở khách từ Hà Nội đi các tỉnh trong thời gian cách ly xã hội vừa qua cũng không phải hiếm gặp, được nhiều lái xe công nghệ truyền tai với nhau.

 “Duy trì được chút thu nhập nhưng rất rủi ro vì như vậy là vi phạm pháp luật. Âu cũng là do bí quá, nếu không liều chạy thì không có tiền để trang trải cuộc sống” – chia sẻ của anh Phạm Thành Luân (41 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Mong ngân hàng giảm áp lực trả nợ

Từ 23/4 vừa qua, đa số các địa phương đã được nới lỏng lệnh cách ly xã hội. Từ sáng sớm ngày này, anh Phạm Thành Luân đã ra đường sau hơn 3 tuần xe buộc phải nằm bãi. Tuy vậy, trong cả một ngày, anh chỉ “nổ” được đúng 3 khách với số tiền thu được vỏn vẹn 150 nghìn đồng. Ngày hôm sau, thu nhập của anh Luân khá hơn một chút khi “đút túi” được 250 nghìn đồng.

“Mấy ngày qua, thu nhập của tôi chỉ bằng 15-20% so với ngày bình thường. Người dân vẫn rất dè dặt khi ra đường và hạn chế sử dụng các phương tiện như taxi”, anh Luân nói.

Không chỉ những lái xe công nghệ mà ngay cả taxi truyền thống trong vài ngày vừa qua cũng có chung tình cảnh, thu nhập chỉ chưa đạt 30% so với ngày thường.

“Khó khăn vì dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn nhiều, chúng tôi cũng đang tìm cách xoay xở. Giờ rất mong gói an sinh xã hội của Chính phủ mau chóng đi vào hiện thực, những người như chúng tôi cũng sẽ được hỗ trợ phần nào”, anh Luân bày tỏ.

Ngày 9/4, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ.

Theo đó, những người lao động bị thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.

Do vậy, những lái xe bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội như anh Luân, anh Trung cũng sẽ thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Tuy nhiên, gói “cứu sinh” chỉ có thể san sẻ được phần nào cho khó khăn của các tài xế bị “thất nghiệp” bởi cách ly xã hội. Không ít người vẫn còn cõng lên mình những khoản trả nợ ngân hàng đến cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều lái xe mong muốn lớn nhất là, các ngân hàng có thể hạ lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay mua xe chạy taxi. Chính sách này chắc chắn sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với giới tài xế trong bối cảnh ế khách hoặc bị hạn chế hoạt động hiện nay.

Nguyễn Hoàng

Hàng loạt xe Hyundai bị “đắp chiếu” tại nhiều cảng ở Mỹ

Hàng loạt xe Hyundai bị “đắp chiếu” tại nhiều cảng ở Mỹ

Nhiều mẫu xe của Hyundai hiện đang “nằm” tại các cảng của Hoa Kỳ sau khi hãng xe Hàn Quốc xuất khẩu ồ ạt xe sang thị trường này giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát tại đây.