Theo Reuters, vào ngày 26/9/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua việc cấp quốc tịch Nga cho Edward Snowden. Snowden vốn là một cựu nhân viên của NSA, bị coi là "kẻ phản bội nước Mỹ" sau khi tiết lộ hàng loạt tài liệu mật liên quan đến chương trình do thám toàn cầu của tình báo Mỹ cách đây một thập kỷ.
Edward Snowden là ai?
Edward Snowden, 39 tuổi, là một kỹ sư an ninh mạng. Từ năm 2005-2008, người này làm việc tại trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Đại học Maryland và bộ phận liên lạc toàn cầu thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia. Tới năm 2009, Snowden ngừng làm việc cho CIA và xin vào tập đoàn Dell.
Tập đoàn Dell sau đó đã cử Snowden tới làm việc cho Văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Hawaii. Vào tháng 5/2013, người đàn ông 39 tuổi từ bỏ công việc tại cơ sở của NSA. Tới đầu tháng 6/2013, Snowden bắt đầu liên lạc với các nhà báo của Guardian và Washington Post để tiết lộ về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ.
Chương trình do thám của Mỹ
Vào ngày 6/6/2013, Guardian và Washington Post đã đăng tải những tài liệu đầu tiên liên quan tới việc giám sát người dân thông qua mạng internet của chính phủ Mỹ.
Thông tin từ Snowden cho thấy, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã cung cấp bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và FBI. Ngoài ra, 2 cơ quan này cũng có truyền truy cập vào máy chủ của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook và Apple.
Ngoài việc giám sát công dân Mỹ, Snowden cũng đưa ra những tiết lộ gây sốc về việc Washington do thám các quan chức chính phủ nước ngoài. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, NSA và cơ quan thông tin của Anh đã chặn cuộc điện thoại mà các quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian hội nghị G20 diễn ra ở London năm 2009.
Bên cạnh đó, tình báo Mỹ đã cài máy nghe lén tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu, giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới và theo dõi ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài.
Các tài liệu do Snowden cung cấp cũng tiết lộ về các chương trình do thám bí mật Blarney và Rampart-T, vốn được dùng để thu thập thông tin về khủng bố và do thám lãnh đạo nước ngoài từ. Rampart-T tập trung vào 20 quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc.
Một chương trình bí mật khác mang tên PRISM cũng được Snowden hé lộ, chương trình này tập trung vào thu thập dữ liệu mà người dùng truyền tải thông qua việc truy cập internet.
Phản ứng của Washington và cuộc sống của Snowden
Theo CNN, sau khi thông tin về chương trình giám sát bị tiết lộ, NSA và Lầu Năm Góc đã cáo buộc Snowden với các tội danh ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin quốc phòng trái phép và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật. Với việc đánh cắp 1,7 triệu tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ, Snowden có thể đối mặt với bản án 30 năm tù.
Ngày 21/6/2013, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố chính thức các cáo buộc chống lại Snowden, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thu hồi hộ chiếu của người đàn ông này. Tuy vậy, chỉ 2 ngày sau đó, Snowden đã tới Nga. Do hộ chiếu bị hủy bỏ, Snowden phải ở lại ở sân bay trong hơn một tháng.
Moscow sau đó đã cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong 1 năm và các lần gia hạn lặp lại đã cho phép Snowden ở lại Nga ít nhất cho đến năm 2020.