Nick Clegg, Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và các vấn đề toàn cầu của Facebook, lần đầu lên tiếng trên truyền hình Mỹ kể từ khi gia nhập công ty năm 2018: “Chia nhỏ một câu chuyện thành công rực rỡ của nước Mỹ” không thể ngăn cản việc can thiệp vào bầu cử hay phát tán những thứ độc hại trên mạng. “Chúng tôi cần làm nhiều hơn”, Clegg, cựu Phó Thủ tướng Anh, nói trên chương trình “Reliable Sources” của CNN. Tuy nhiên, những vấn đề này “sẽ không đột nhiên biến mất”.
Phản hồi của ông Clegg được đưa ra sau khi đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đăng một bài viết dài hối thúc các nhà chức trách chia nhỏ công ty. Hughes nói rằng Mark Zuckerberg sở hữu “quyền lực không thể chống đỡ” và tầm ảnh hưởng “vượt xa bất kỳ ai trong lĩnh vực tư hay công”. “Mark là người tốt và tử tế. Tuy nhiên, tôi giận vì quá tập trung vào tăng trưởng dẫn anh ấy đến việc hi sinh bảo mật và lễ nghi cho các cú bấm chuột”.
Kể từ sau bài viết của Hughes, chỉ trích dành cho Facebook ngày một dâng cao. Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, một ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, viết trên Twitter: “Chris Hughes đã đúng. Các hãng công nghệ lớn ngày nay sở hữu quá nhiều quyền lực”. Tiếp đó, Thượng nghị sỹ Kamala Harris trả lời CNN trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta cần nghiêm túc xem xét” phá vỡ Facebook và nhận xét mạng xã hội này đã trở nên “lộn xộn”.
Clegg cũng viết một bài nêu quan điểm khác trên New York Times, trong đó nhắc tới Facebook cần củng cố chính sách quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, chịu trách nhiệm trong ngăn cản việc can thiệp bầu cử trên nền tảng. Tuy nhiên, “tôi không nghĩ hủy diệt các công ty là giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp mà Hughes đã nhấn mạnh”. Ông khẳng định “chúng tôi tự tin sẽ được chuẩn bị tốt hơn đáng kể cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 hơn năm 2016”.
Theo quan chức Facebook, thay vì “giải tán” công ty, nhà lập pháp và nhà quản lý toàn cầu cần hợp tác cùng họ để đưa ra các “quy định Internet mới”. Trong bài xã luận hồi tháng 3, Zuckerberg kêu gọi nhà chức trách đóng “vai trò tích cực hơn” trong thiết lập quy định cho Internet.
“Đây không phải thứ mà bất kỳ công ty nào có thể tự làm. Chúng ta đang phải ứng phó với một số vấn đề chính trị và đạo đức sâu sắc”, Clegg viết.