Lãnh đạo các quốc gia công nghiệp G7 gặp nhau ở Brussels tuyên bố họ sẵn
sàng áp đặt thêm nhiều đòn trừng phạt lên Nga vì những hành động của Moscow ở
Ukraina.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Một thông điệp chung của khối đã lên án Moscow vì "liên tục vi phạm" chủ quyền Ukraina.
Đây là hội nghị đầu tiên của G7 kể từ khi Nga bị loại khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới tiếp sau việc Moscow sáp nhập bán đảo Crưm khỏi Ukraina hồi tháng 3.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cấm vận Nga gắt gao hơn là một lựa chọn. (Ảnh: AP) |
Trước đó ở Ba Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Moscow không làm những
gì ông gọi là "các thủ đoạn đen tối" ở Ukraina.
Ông chủ Nhà Trắng hiện đang có chuyến công du tới châu Âu, thăm 3 nước là Ba Lan, Bỉ và Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ D-Day ở Pháp ngày 6/6.
Tổng thống Putin cũng sẽ có mặt tại buổi lễ. Mặc dù không dự hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, ông sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo nhóm G7 - không có mặt ông Obama - ở Paris sau đó.
Theo phóng viên Chris Morris của BBC ở Brussels, ngoại giao đã được tăng cường trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lớn nhất nhiều năm qua giữa Nga và phương Tây. Các lãnh đạo G7 đã tập trung ở Brussels từ đêm ngày 4/6 để dự tiệc tối.
"Chúng tôi nhất trí lên án Liên bang Nga tiếp tục vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraina", BBC trích dẫn thông điệp chung của các lãnh đạo G7. "Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các cấm vận có chọn lọc và xem xét các biện pháp hạn chế bổ sung để gây thêm thiệt hại cho Nga nếu như cần đến những việc làm đó".
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh với các phóng viên: "Chúng tôi không thể chấp nhận một sự bất ổn hơn nữa ở Ukraina. Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi muốn tiếp tục cách tiếp cận ba bước - ủng hộ Ukraina về các vấn đề kinh tế, đối thoại với Nga, và nếu không có tiến bộ về các vấn đề đó... thì khả năng cấm vận, trừng phạt gắt gao hơn, vẫn còn nằm trên bàn thảo luận", bà nói thêm.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông trông đợi G7 sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về việc ủng hộ Ukraina.
Trong khi đó trên thực địa ở Ukraina, các tay súng ki khai đã chiếm hai cơ sở quân sự ở Luhansk thuộc miền đông. Họ cũng chiếm một căn cứ biên phòng sau nhiều ngày đấu súng, và một căn cứ của Lực lượng Bảo vệ quốc gia sau một cuộc tấn công từ hôm 3/6.
Giao tranh hiện vẫn tiếp tục gần các thị trấn Krasny Liman và Sloviansk ở
vùng Donetsk kề cận. Theo các nguồn tin Ukraina, quân nổi dậy đang cố gắng phá
vỡ vòng vây của lực lượng chính phủ.
Thanh Hảo