Ở tuyến tỉnh, trung bình một tỉnh có 6 trung tâm, tức có 6 Giám đốc, 18 phó Giám đốc. Khi sát nhập làm 1 để tổ chức theo mô hình CDC thì chỉ còn 1 giám đốc, đồng nghĩa sẽ "dôi dư" ra 5 Giám đốc, khoảng 15 phó Giám đốc.
Sáng 19/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo các văn bản về tổ chức y tế ở địa phương và công tác cán bộ.
Đáng chú ý là dự thảo Thông tư về cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (CDC). Trung tâm này được tổ chức, sắp xếp trên cơ sở sáp nhập lại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng ở địa phương, nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Chủ trương này đã được Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thực hiện hơn 1 năm nay, theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV.
Hà Nội đã tổ chức lại 9 đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng tuyến thành phố (sáp nhập làm 1) và giữ nguyên tên gọi là trung tâm Y tế dự phòng |
Theo Bộ Y tế, việc sáp nhập các đơn vị ở tuyến tỉnh để tổ chức theo mô hình CDC xuất phát từ thực tế là tại hầu hết các tỉnh trước đây đều có rất nhiều trung tâm, đơn vị sự nghiệp cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng.
Trung bình 1 tỉnh/thành có khoảng 6 đơn vị, thậm chí có những tỉnh lên tới 9, 12 đơn vị như: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế, Trung tâm phòng chống HIV-AIDS, Trung tâm Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Phòng khám bác sĩ gia đình…
TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, tính đến 30/4, Bộ Y tế đã nhận được 37 quyết định của UBND cấp tỉnh Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, trong đó có việc tổ chức các đơn vị y tế dự phòng theo mô hình CDC.
Đơn cử, Hà Nội đã tổ chức lại 9 đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng tuyến thành phố (sáp nhập làm 1) và giữ nguyên tên gọi là Trung tâm Y tế dự phòng. Ngoài ra, 17 tỉnh/ thành phố khác đang tiếp tục triển khai.
Tuy vậy, vẫn còn tới 9 tỉnh đang giữ nguyên mô hình các trung tâm hiện có. Theo ông Phạm Văn Tác, tới đây, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi tất cả 9 tỉnh/ thành này, yêu cầu dứt khoát trước năm 2020 phải hoàn thành việc thực hiện sáp nhập theo chủ trương này.
Chia sẻ thêm, TS Phạm Văn Tác cho biết, ở tuyến tỉnh, trung bình một tỉnh có 6 trung tâm, tức có 6 giám đốc, 18 phó giám đốc. Khi sát nhập làm 1 để tổ chức theo mô hình CDC thì chỉ còn 1 giám đốc, đồng nghĩa sẽ dôi dư ra 5 giám đốc, khoảng 15 phó giám đốc.
“Như vậy khi sáp nhập các đơn vị cùng chức năng y tế dự phòng vào làm một, bình quân mỗi tỉnh sẽ dôi dư ra khoảng 20 lãnh đạo. Cả nước có 63 tỉnh/thành, vậy nếu đều thực hiện theo mô hình CDC thì sẽ dôi dư ra khoảng 1.260 lãnh đạo, chưa kể cán bộ cấp trưởng phòng, phó phòng thì số lượng cán bộ được sắp xếp lại rất lớn”.
Tương tự, ở cấp huyện, có khoảng 500 huyện vẫn chưa sắp xếp lại theo mô hình trung tâm y tế đa chức năng, tới đây sẽ triển khai. Hiện mỗi huyện có bình quân khoảng 2 đơn vị sự nghiệp (bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế huyện), nếu tổ chức sáp nhập thành 1, như vậy sẽ dôi dư được khoảng 2.000 cán bộ lãnh đạo nữa.
Bộ trưởng Y tế: Dự phòng tuyến dưới sáp nhập, TƯ vẫn đứng yên
Trong khi nhiều huyện, tỉnh đã sáp nhập hệ thống y tế dự phòng để tinh gọn đầu mối thì tuyến TƯ vẫn dàn trải với bộ máy cồng kềnh.
Bộ trưởng Y tế: Loại sâu mọt ra khỏi ngành
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngành y đã bước đầu lấy lại hình ảnh nhưng vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh.
Bộ trưởng Y tế: Bệnh viện lộn xộn, Giám đốc chịu trách nhiệm
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định bao nhiêu công sức của bác sĩ khám chữa bệnh, tận tâm cứu sống nhiều người sẽ bị quên lãng bởi hành vi bột phát của cá nhân từ dịch vụ thuê khoán từ ngoài vào bệnh viện.
Theo Gia đình và xã hội