Theo bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, việc triển khai Công ước ICCPR đã được Việt Nam chú trọng thực hiện gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp.
Những nỗ lực và thành tựu tích cực trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được Việt Nam phản ánh tại Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần thứ ba và tiếp tục được nêu bật tại Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vào tháng 3 năm 2019.
Trên cơ sở kết quả phiên bảo vệ vào đầu tháng 3 năm 2019, ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền đã đưa ra Bản khuyến nghị đối với Báo cáo ICCPR, trong đó khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự và chính trị đối với 25 nhóm vấn đề. Các khuyến nghị được đưa ra bởi Uỷ ban Nhân quyền rất cụ thể như các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp cụ thể khác mà quốc gia nên thực hiện.
Bên cạnh đó, khi xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước ICCPR chu kỳ tiếp theo, thông tin về quá trình triển khai các Khuyến nghị mà quốc gia nhận được trước đó cần được thể hiện trong báo cáo này nhằm thể hiện các nỗ lực cũng như trách nhiệm của quốc gia trong quá trình triển khai thực hiện Công ước.
Việc triển khai thực hiện các khuyến nghị cần có sự phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các Bộ, ngành; xác định lộ trình thực hiện phù hợp với Việt Nam; gắn kết được các hoạt động của các ngành, lĩnh vực có liên quan và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Do đó, việc xây dựng cơ chế theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị là hết sức cần thiết.
triển khai Công ước ICCPR đã được Việt Nam chú trọng thực hiện gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Ảnh minh họa. |
Khởi động triển khai các khuyến nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyền truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc...
Trước đó, hồi tháng 3 Bộ Tư pháp cũng đã ký Quyết định số 521/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” năm 2019.
Cùng với việc nâng cao năng lực phổ biến nội dung cơ bản của Công ước ICCPR, pháp luật có liên quan của Việt Nam cho đội ngũ làm phổ biến, giáo dục pháp luật, các hoạt động trong Kế hoạch còn hướng đến mục đích phổ biến rộng rãi nội dung Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thông qua các hình thức, biện pháp hiệu quả, phù hợp.
Ngoài hoạt động chỉ đạo, điều hành và biên soạn tài liệu phổ biến, trong năm 2019, Bộ sẽ tổ chức tập huấn (kết hợp với thực hiện chương trình, ề án khác) về quyền dân sự, chính trị trong Công ước và trong pháp luật Việt Nam cho phóng viên, biên tập viên báo chí viết về pháp luật, báo cáo viên pháp luật khu vực phía Bắc và phía Nam. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí.
Bộ luật dân sự 2015 quy định “Mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản” và “Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự như nhau”. Quyền bình đẳng trước pháp luật được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật liên quan. Cụ thể, trong quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự 2015 quy định “Mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản” và “Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự như nhau” (các Điều 3 và 16). Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, quy định mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 3). Bộ luật tố tụng hình sự 2015 khẳng định tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Điều 8) và Luật tố tụng hành chính 2015 (Điều 17) quy định trong tố tụng dân sự hoặc hành chính, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trước Tòa án. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như: nguyên tắc suy đoán vô tội, không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Bộ luật cũng điều chỉnh để bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa, trong đó mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho những đối tượng thuộc diện chính sách, mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải mời người bào chữa, bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án, bổ sung quy định người bị bắt/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận tội. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án. Các bản án, quyết định của Tòa án các cấp được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử. Các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao được in thành sách và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Pháp luật tố tụng hiện hành và Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định việc lựa chọn và áp dụng án lệ trong xét xử. Việc áp dụng án lệ ở Việt Nam là một bước tiến mới, góp phần áp dụng thống nhất, linh hoạt pháp luật. Tính đến nay, TAND Tối cao đã ban hành được 16 án lệ. Pháp luật Việt Nam cũng bảo đảm độc lập công tố, Điều 109 Hiến pháp 2013 khẳng định “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật”, Điều 83 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định “Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Từ năm 2015 đến 2017, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia vào 43.738 vụ án hình sự, trong đó có 18.749 vụ án hình sự chỉ định và 24.989 vụ án hình sự được khách hàng mời; 36.280 vụ việc dân sự; 41.560 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại; 2.687 vụ án hành chính; 1.828 vụ án lao động; tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 110.592 vụ. Đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng khác theo quy định tại Luật trợ giúp pháp lý, từ 2014 đến tháng 6/2018, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trên toàn quốc thực hiện được 470.759 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 55.429 vụ việc. Đặc biệt, 100% các vụ án hình sự mà yêu cầu phải chỉ định luật sư bào chữa thì đều có sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý. |
Thanh Lan