Sáng ngày 4/1, phiên xét xử cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cùng 19 đồng phạm bước vào phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện VKS trình bày quan điểm về vụ án.

Theo VKS, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy-chủ sở hữu vốn Thành ủy- phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng thêm vốn điều lệ của Công ty Sadeco.

{keywords}
Bị cáo Tất Thành Cang

Theo quy định, phải thực hiện đấu giá và thực hiện thẩm định giá giá trị cổ phần theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ, nhưng bị cáo vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược. Việc bút phê “đồng ý” của bị cáo đã gây thất thoát cho nhà nước 1.103 tỷ đồng.

Vì vậy, cáo trạng truy tố bị cáo về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Đối với bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC), với vai trò là Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco, có vai trò chính đối với các sai phạm trong vụ án.

{keywords}
Bị cáo Tề Trí Dũng

Trong việc Công ty Sadeco phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác, thực hiện chủ trương hợp tác với Công ty Nguyễn Kim tới khi hoàn thành việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim;  sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai quy định để thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim thấp hơn giá trị của Công ty Sadeco, gây thất thoát cho tài sản nhà nước tại Công ty Sadeco là hơn 669 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Đối với hành vi “tham ô tài sản”, bị cáo Tề Trí Dũng là người chủ trương thực hiện chuyến đi, trực tiếp trao đổi với Công ty du lịch Bến Thành về chương trình, lịch trình, giá tour và các nội dung của 2 hợp đồng tổ chức tour du lịch nước ngoài. Sau đó, bị cáo giao cho bị cáo Hồ Thị Thành Phúc tổ chức thực hiện.

Bị cáo là Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco, là người ký các quyết định về việc thông qua Quỹ tiền lương năm 2017 và việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá 1 tháng lương thực tế theo quy định của Thông tư 96, gây thất thoát tài sản của nhà nước là hơn 2,1 tỷ đồng.

Vì vậy, cáo trạng truy tố bị cáo về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “tham ô tài sản” là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân dẫn tới mất kiểm soát của nhà nước, cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 12-14 năm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

 

Bị cáo Tề Trí Dũng bị đề nghị 11-12 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 9-10 năm về tội “tham ô tài sản”. Tổng mức hình phạt cho cả 2 tội là 20-22 năm tù giam;

Bị cáo Hồ Thị Thành Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco) bị đề nghị 10-11 năm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 9-10 năm về tội “tham ô tài sản”. Tổng hình phạt cho cả hai tội là 19-21 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo tới 12-14 năm tù giam.

Thanh Phương

Ông Tất Thành Cang "ngỏ lời với thuộc cấp" tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim

Ông Tất Thành Cang "ngỏ lời với thuộc cấp" tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim

Dù không chỉ đạo phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim nhưng ông Tất Thành Cang ngỏ lời với thuộc cấp “tạo điều kiện” cho công ty này.