GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực - đó là nhận định trong báo cáo Năng suất Việt Nam 2014 do Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) biên soạn. Theo đó, để bắt kịp với các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng năng suất lao động.

Chỉ ở mức trung bình châu Á

Theo báo cáo, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2013 - 2014 đạt khoảng trên 40 triệu đồng/người. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước.

Báo cáo nhận định, tốc độ tăng GDP của Việt Nam ở mức trung bình so với một số nước châu Á, tuy nhiên tăng trưởng tương đối ổn định. Tốc độ tăng GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 đạt 6,32%, giai đoạn 2011 - 2014 đạt 5,72%, tăng đều từ 2006 đến nay.

{keywords}

Năm 2014, GDP bình quân đầu người đã đạt được gần gấp rưỡi so với năm 2005 - 2006. Nếu quy đổi bằng tỉ giá hối đoái tính theo USD, năm 2013 GDP trên đầu người của Việt Nam đạt mức 1.911 USD.

“Nếu tính theo sức mua tương đương giá hiện hành, năm 2013, Việt Nam đạt 5.294 USD/người. Trong số các nước châu Á được so sánh, các nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức rất cao, trong đó cao nhất là Singapore đạt trên 55.000 USD/người” – báo cáo nhận định.

Với giá trị tuyệt đối vẫn còn khá thấp so với hầu hết các nước, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Để bắt kịp với các nước trong khu vực thì Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, xét về tốc độ tăng GDP theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng GDP chậm hơn so với hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Báo cáo chỉ ra, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,53%, và giai đoạn 2011 - 2014 là 3,21%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng trong hai giai đoạn này đạt 6,38% và 6,25%, khu vực dịch vụ tăng với tốc độ nhanh hơn lần lượt là 7,64% và 6,31%.

Báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng, tốc độ tăng GDP của Việt Nam ở mức trung bình so với một số nước châu Á và tăng trưởng tương đối ổn định. Trong số các nước được so sánh thì Mông Cổ và Lào đang có tốc độ phát triển nhanh. Các nước như Nhật Bản có tốc độ tăng GDP chậm lại.

Cần tăng năng suất lao động

Theo báo cáo, năng suất lao động là động lực chủ yếu cho tăng GDP bình quân đầu người, nâng cao mức sống của người dân, do đó cần phải được coi là mục tiêu quan trọng, không thể thiếu trong phát triển kinh tế xã hội.

Năng suất lao động của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng trên một lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động xã hội năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng trên một lao động.

Số liệu cho thấy, từ năm 2005 đến nay, năng suất lao động hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3,5% một năm. Nhìn chung, năng suất lao động có xu hướng tăng dần một cách ổn định.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất mạnh mẽ, tuy nhiên khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa, vì vậy cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách này.

{keywords}

Bảng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2014

Trong 3 yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế là tốc độ tăng của vốn, lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) thì TFP có tốc độ tăng chậm nhất, giai đoạn 2006 - 2010 là -0,27%, giai đoạn 2011 - 2014 là 1,44%. Mãi đến giai đoạn 2011 - 2013, đóng góp của tăng TFP lên 22,2%, giai đoạn 2011- 2014, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế là 25,8%.

Theo báo cáo, một trong những giải pháp cải thiện năng suất chung của toàn xã hội là chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong thời gian qua, năng suất lao động toàn nền kinh tế đã được nâng cao thông qua chuyển dịch cơ cấu ngành, tuy nhiên quá trình diễn ra còn chậm.

Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc gia tăng năng suất lao động của nội bộ các ngành cũng đóng vai trò quan trọng. Cải thiện năng suất lao động của ngành ở Việt Nam có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu vào hiện có.

Vì vậy, giải pháp mà báo cáo đưa ra là chuyển dịch cơ cấu lao động cần gắn với cải thiện năng suất của ngành bằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường, kết nối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

(Theo Một thế giới)