2-3 ly mỗi ngày, thậm chí hơn, uống thay cả... bữa trưa
"Ngày bình thường thì mỗi ngày mình uống một ly. Nếu hôm nào nóng hay cảm thấy căng thẳng quá thì có khi là 2-3 ly", Nguyễn Diệu Nhi, 24 tuổi, đang làm việc trong ngành thiết kế đồ họa, "khoe" về sở thích uống trà sữa. Cô thừa nhận mình "nghiện" trà sữa. Mỗi tháng, "dân văn phòng" như Nhi có thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng thì cô đã ném 1/3 số này vào trà sữa.
Trứng là nickname của một cô gái 18 tuổi. Dưới đây là chia sẻ của Trứng về trà sữa: "Ngày xưa, tiền tiêu vặt mỗi ngày 10.000 đồng thì mình mua trà sữa 5.000 đồng sau cổng trường. Bây giờ trà sữa có nhãn hiệu, ngon hơn và giá cao hơn, cốc bình thường khoảng 50.000 - 55.000 đồng nhưng cốc "full topping" có khi lên tới 90.000 đồng".
Về tần suất và số lượng, cô cho biết: "Khoảng 2 ly/tuần, có khi còn uống thay bữa trưa". Mỗi tháng, trung bình, Trứng uống khoảng 20 ly trà sữa, tương ứng số tiền bỏ ra lên tới cả triệu đồng, chưa kể những ly được mẹ mua cho.
Dũng, 20 tuổi, cũng là một "tín đồ" của trà sữa khi mỗi tuần uống 5 đến 7 ly, thậm chí lên tới 13 ly vào tháng lễ tết, đi chơi…
Đó là 3 chia sẻ ngắn của 3 gen Z về số trà sữa và tiền đổ vào trà sữa mỗi tuần. Trà sữa hiện nay không còn được coi là món đồ uống vặt vì thực tế đã xuất hiện cả một "ngành công nghiệp" với loại đồ uống này.
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây, mỗi năm, người Việt chi khoảng 362 triệu USD, tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng, cho trà sữa. Con số này có thể "gây sốc" cho không ít người. Chưa rõ nghiên cứu trên được khảo sát ra sao, song nhìn vào sự phổ quát của loại thức uống kể trên với hàng loạt thương hiệu như TocoToco, KOI, Gong Cha, Milk Tea, Royal Tea, Ding Tea, Phúc Long… cũng như khảo sát của Dân trí với một số bạn trẻ kể trên, có thể thấy được thị trường kinh doanh trà sữa đang sôi động ra sao…
Mức giá dao động 30.000-70.000 đồng cho một ly trà sữa được cho là cao hơn hẳn so với mặt bằng chung thu nhập của người trẻ. Thế nhưng bỏ qua sự đắt đỏ, một bộ phận giới trẻ mà chủ yếu là gen Z kể trên vẫn uống 2-3 ly trà sữa mỗi ngày. Và thậm chí, khi tính ra số tiền mà họ dùng để uống trà sữa trong một tháng lên đến con số vài triệu đồng hoặc hơn.
Vậy vì sao khách hàng, trong đó có gen Z, lại nghiện trà sữa?
Với giới trẻ, trà sữa cũng như một "món quà", "chiến lợi phẩm" được thưởng sau quá trình học tập và làm việc căng thẳng.
Trứng chia sẻ: "Hồi nhỏ, cứ lúc nào được điểm cao là mình lại được mẹ mua cho trà sữa... Nó kiểu như là chiến lợi phẩm sau mỗi lần đạt thành quả gì đấy nên mình thích lắm. Mình thích đồ ngọt nên trà sữa là thức uống phù hợp khẩu vị nhất, cảm giác nó có thể xoa dịu tâm hồn mỗi khi mình buồn hay mệt mỏi vì chuyện gì đấy".
Đối với Dũng thì uống trà sữa như là một cách để gắn kết bạn bè, hay đó là một món quà để có thể tặng bàn bè, người yêu.
Còn với cô gái văn phòng Diệu Nhi thì trà sữa có thể khiến cô tập trung và có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. "Hôm nào mà không uống thì cảm thấy có gì đó thiếu thiếu thật. Có vẻ mất tập trung hơn vì bình thường vừa làm mình vừa lai rai trân châu", cô bày tỏ.
Diệu Nhi nói, cô làm công việc về sáng tạo nên thu nhập cũng khá và con số 2-3 triệu đồng mỗi tháng cho trà sữa, theo cô, là con số hợp lý và đó là cách để cô tự thưởng cho mình. Khi được hỏi về số tiền mỗi tháng "ném" vào trà sữa chỉ 2-3 triệu đồng nhưng nếu tính theo năm lên tới 30-40 triệu đồng thì cảm giác thế nào, Nhi cho biết "cũng không ngờ con số có thể lớn đến vậy". Cô nói sẽ giảm tần suất lại vì thực tế thì trà sữa cũng được cho là món thức uống không tốt cho sức khỏe nếu được uống nhiều.
Còn Dũng, khi tính ra mỗi năm bỏ 20 triệu đồng cho trà sữa thì cho biết: "Mình khá choáng".
"Tính ra thì thấy chát lắm, thỉnh thoảng cũng tự hỏi tiền bay đâu mất nhưng mua thì vẫn cứ mua tại trà sữa ngon mà", Trứng bày tỏ.
Thị trường sôi động nhưng cũng đầy khốc liệt
Thực tế cho thấy với không ít người trẻ, thậm chí người "không còn trẻ", trà sữa trở thành "đồ uống quốc dân". Không khó để bắt gặp các bạn trẻ chọn quán trà sữa làm địa điểm tụ họp vui chơi, hẹn hò, làm bài tập nhóm, liên hoan, tổ chức sinh nhật… và cũng không khó để bắt gặp những khu phố với hàng chục quán trà sữa đủ các thương hiệu… dù hiện tại không phải thời kỳ hưng thịnh và sôi động nhất của món đồ uống này.
Trà sữa du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 2000, với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, thời điểm đó chủ yếu là các cửa hàng nhỏ lẻ, tự pha chế cùng giá bán tương đối rẻ.
Chỉ vài năm sau, thức uống này được giới trẻ ưa chuộng với dư địa phát triển tiềm năng. Không chỉ có Đài Loan - "quê hương" của trà sữa mà ngay cả những thương hiệu từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… cũng tìm cách chen chân vào thị trường Việt Nam với phong trào nhượng quyền thương hiệu. Việt Nam nhanh chóng có tới hơn 100 thương hiệu trà sữa. Tại nhiều con phố, thậm chí nổi lên "cung đường trà sữa" với loạt các cửa hiệu mở san sát nhau.
Nhiều doanh nghiệp F&B hay cửa hàng đồ ăn, cà phê… đã phải bổ sung thức uống này vào menu. CGV năm 2018 cũng có thêm trà sữa vào danh sách thức uống bán mang vào rạp phim. Vietnam Airlines tháng 5 vừa qua cũng bắt đầu bán trà sữa trên máy bay… Một số phong trào ăn theo điển hình như kem trà sữa trân châu, bánh trà sữa trân châu đường đen… nổi lên một thời.
Uống quá nhiều trà sữa có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng cân, béo phì
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết một ly trà sữa size L (700 ml) chứa khoảng 100g đường, chưa tính đến các topping đi kèm như kem, thạch... Như vậy, một cốc sẽ cung cấp khoảng 400kcal đường đơn.
Trong khi đó, người khỏe mạnh chỉ nên nạp vào cơ thể 40-50g đường đơn mỗi ngày. Vì thế, việc uống quá nhiều trà sữa sẽ có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng cân, béo phì. Loại đồ uống này cũng tiềm ẩn những nguy cơ với sức khỏe nếu các thành phần không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Trà sữa là thực phẩm không lành mạnh, chúng ta nên ít uống và uống ít cho một lần. Với những người trót nghiện hay thích thì không uống quá 100ml/lần/ngày hoặc cốc size L thì chỉ nên uống 1 tuần/lần và sau đó giảm dần", TS Hưng nói.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng calo trung bình cần được hấp thụ trong một ngày của mỗi người là khoảng 2.000 calo. Tuy nhiên, với lượng calo từ 350 đến 500 calo mà một ly trà sữa trân châu cung cấp, chúng ta đã hấp thụ đến 17% lượng calo cho phép.
Để tiêu hao năng lượng mà một ly trà sữa cung cấp, ước tính cần phải chạy bộ khoảng 33 phút, hoặc đạp xe đạp 42 phút, khiêu vũ 98 phút.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Kompa, 7 tháng đầu năm nay, TocoToco là thương hiệu dẫn đầu thị phần thảo luận trong ngành trà sữa với 31,5%, tương đương hơn 78.400 lượt thảo luận trên các kênh thông tin như mạng xã hội, báo chí. Xếp vị trí sau là Gong Cha (12%), Bobapop (8,9%), KOI Thé (7,6%), Trà sữa Tiên Hưởng (5,8%), Te Amo (4,7%)... Về tỷ lệ yêu thích và chỉ số khách hàng phản hồi tích cực có TocoToco, Gong Cha, KOI Thé, Bobapop, The Alley…
Dù vậy, báo cáo của Kompa chỉ mang tính chất tham khảo do không có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, độ phủ sóng cao trên thị trường như Ding Tea, Phúc Long… trong khi nhóm 10 công ty thuộc dịch vụ F&B phổ biến trên mạng xã hội luôn có sự góp mặt của các thương hiệu này, theo báo cáo dịch vụ F&B tháng 8 của Reputa.
Theo báo cáo của Reputa về ngành F&B, kể từ thời điểm tiến hành phân tích từ tháng 3 đến nay, trà sữa vẫn là loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội, với 30-50% thị phần, vượt xa những đồ uống phổ thông khác như trà, nước ép, cà phê…
Cụ thể, riêng tháng 7 năm nay, trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm 37,8% thảo luận của người dùng. Kế đến là trà (26,61%), cà phê (14,48%), nước ép (14,62%), chè (2,15%)...
Nhóm khách hàng nữ là đối tượng đóng góp nhiều nhất cho các cuộc thảo luận, chiếm 71,8%. Trong khi đó, nhóm khách hàng nam chiếm khoảng 28,2%, theo thống kê của Kompa.
Lượng thảo luận tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung, chiếm khoảng một nửa thị phần (49,7%), tiếp theo là miền Bắc (32,7%) và miền Nam (17,6%).
Học sinh, sinh viên là đối tượng quan tâm đến trà sữa nhất, chiếm 73,2%.
Nhóm khách hàng nhân viên văn phòng, nhân viên ngân hàng chiếm 17,2%, nhân viên nhà hàng, tiệm trà sữa, freelancer chiếm 4,9%, kinh doanh tự do 4,7%...
Điều này cũng tương ứng với lứa tuổi của các khách hàng. Nhóm người dùng dưới 25 tuổi tuổi chiếm 42,8%, nhóm 25-29 tuổi chiếm 46,6%. Nhóm từ 30 tuổi trở lên không có ảnh hưởng đáng kể.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, quy mô ngành trà sữa trong nước đã bị thu hẹp cả về số lượng cửa hàng lẫn thương hiệu. Tuy nhiên, trải qua quá trình thanh lọc, có thể thấy thị trường trà sữa Việt Nam hiện tại đã xuất hiện một số thương hiệu phổ thông chi phối thị trường như TocoToco, Tiger Sugar, Bobapop… và cao cấp như Phúc Long, KOI, Gong Cha... Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện thương hiệu ở phân khúc bình dân mới nổi như trà sữa Phê La từ Đà Lạt, trà sữa đồng giá Đô Đô...
Ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện Gong Cha Việt Nam, cho biết trà sữa không phải là sản phẩm theo trào lưu hay kinh doanh kiểu chụp giật. Việc một số thương hiệu trà sữa dần thu hẹp quy mô, số lượng cửa hàng, theo ông, là tùy theo chiến lược kinh doanh của từng bên. Về con số 8.400 tỷ đồng người Việt "ném" vào trà sữa mỗi năm, ông cho biết không bình luận vì không rõ các dữ liệu được thu thập, tính toán thế nào.
Về biên lợi nhuận trong kinh doanh trà sữa, ông Ẩn khẳng định "không quá lớn như người ta hay kháo nhau và cũng không thể tính theo công thức lấy giá bán trừ giá nguyên vật liệu để ra biên lợi nhuận". Đằng sau một ly trà sữa còn là chi phí thuê măth bằng, trang trí cửa hàng, dịch vụ, marketing, phí cho đối tác giao nhận, đối tác thanh toán...
(Theo Dân Trí)